Việt Nam làm gì nếu giá dầu thế giới về 0 ?

Lượng dầu tồn kho toàn cầu đạt công suất tối đa trong vài tuần tới, các nhà phân tích năng lượng thế giới lo ngại giá dầu sẽ giảm sâu xuống dưới mức 0 đồng, thậm chí âm.
Giá xăng, dầu đang xuống mức thấp nhất trong lịch sử vài chục năm trở lại đây
 /// Ảnh: Ngọc Dương
Giá xăng, dầu đang xuống mức thấp nhất trong lịch sử vài chục năm trở lại đây
Ảnh: Ngọc Dương
 Là nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, việc này tác động không nhỏ tới Việt Nam. Vậy chúng ta phải làm gì ?
Hết chỗ trữ dầu ?
Trang CNN hôm qua (2.4) đăng tải một bài báo với chủ đề: Thế giới hết chỗ để trữ dầu khiến giá dầu có thể sẽ xuống 0. Nội dung bài báo nhấn mạnh, nguồn cung dầu thô của Ả Rập Xê Út tăng vào đầu tháng 4, đạt mức kỷ lục hơn 12 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ cũng tăng 13,8 triệu thùng trong tuần trước. Đây là mức tăng lớn nhất trong một tuần kể từ năm 2016. Như vậy, trong tháng này, mỗi ngày sẽ có khoảng 6 triệu thùng dầu thô “vô gia cư” không còn nơi nào để đi. Con số này sẽ tăng lên 7 triệu thùng mỗi ngày vào tháng tiếp theo. Nếu Nga và Ả Rập Xê Út cứ duy trì sản lượng cho đến cuối năm nay, lượng dầu tồn kho toàn cầu có thể đạt công suất tối đa trong vòng vài tuần tới. Bài báo cũng nhấn mạnh, ngay cả khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất khác đạt được thỏa thuận cắt giảm trong tương lai gần, thì với nguồn cung quá mức ở hiện tại vẫn sẽ khiến khả năng lưu trữ có thể đạt đến giới hạn vào giữa năm.
Nhập khẩu dầu thô của VN tăng mạnh
Báo cáo quý 1 của Bộ Công thương cho thấy, khai thác dầu thô của VN trong 3 tháng đầu năm giảm gần 11%. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô tăng mạnh gần 68% và tồn kho sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng hơn 47%. Trên một số diễn đàn năng lượng, một số ý kiến cho rằng VN có thể học cách của chính phủ Brunei. Khi đối diện giá dầu xuống thấp, Chính phủ nước này đã ra thông điệp khuyến khích người dân mua dầu tích trữ, mỗi người 1 USD, nhưng dầu chứa trong kho của chính phủ. Khi giá dầu lên, chính phủ mua lại của người dân theo giá thị trường… giống mô hình trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước.
Trong bối cảnh đó, tác giả bài báo trên CNN cảnh báo: Các nhà sản xuất dầu thậm chí phải trả tiền chỉ để lấy thùng dầu ra khỏi kho dự trữ (ngụ ý về việc giá dầu âm). Lý do đóng cửa hoặc mở lại một giếng khoan dầu tốn chi phí hơn nhiều lần việc bán dầu giá rẻ. Các nhà máy lọc dầu ở nhiều nơi cũng đang mất tiền cho mỗi thùng dầu họ chế biến ra để thuê chỗ dự trữ. Khi các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động, nhiều nhà sản xuất sẽ không thể xuất khẩu dầu thô. Thậm chí, trên Bloomberg tuần trước thông tin, một loại dầu thô ở bang Utah (Mỹ) đã bị trả giá ở mức âm 19 cent/thùng. Năm ngoái, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ ở Texas được giao dịch với giá âm trong hơn 2 tuần chỉ vì không có đủ đường ống để mang khí đốt đi, hoặc cách đây 4 năm, một loại dầu thô Bắc Dakota đã được định giá âm 50 xu/thùng trước khi được sửa đổi thành 1,50 USD…
Tại VN, trong tháng 3, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) cũng đã đưa ra kịch bản xấu nhất là đóng cửa một số mỏ khai thác và tiến hành nhập khẩu dầu thô dự trữ do giá dầu xuống mức thấp dưới 30 USD/thùng. Cho đến nay, giá dầu đã về 20 - 25 USD/thùng. Là quốc gia vừa khai thác dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu, thị trường xăng dầu VN chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ nếu dự báo giá dầu thế giới về 0 hoặc thậm chí âm xảy ra.
 
Đóng mỏ năng suất kém, tăng tích trữ dầu
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khẳng định kịch bản giá xăng dầu bằng 0 hoặc xuống tới âm sẽ không thể xảy ra. Ông Nghĩa phân tích: Giá xăng, dầu thế giới giảm mạnh hiện nay xuất phát từ 2 lý do: Một là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu ngưng trệ, mọi hoạt động sản xuất, vận tải, vận chuyển “đóng băng”, xăng dầu ế. Thứ hai, việc Ả Rập Xê Út liên tục tăng nguồn cung dầu thô là nhằm gây sức ép cho Nga, phục vụ cho mục đích chính trị. Cả 2 nguyên nhân này đều có giới hạn, không thể kéo dài.
Covid-19 không phải khủng hoảng kinh tế có tính chu kỳ, thường kéo dài 2 - 3 năm. Đây là khủng hoảng mang tính chất ngắn hạn, có thể khắc phục nên cũng khiến kinh tế thế giới suy thoái trong ngắn hạn. Sớm muộn gì dịch cũng sẽ qua đi. Khi tất cả đều mang tâm lý kỳ vọng dịch qua nhanh thì các nhà sản xuất, các nước sẽ phải chuẩn bị thật kỹ mọi nguồn lực để trở lại thị trường. “Không ai dại gì mà không tích trữ xăng, dầu lúc này nên không lo hết chỗ trữ. Một trong 3 quốc gia có kho dự trữ lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng đang rậm rịch thoát dịch và gom xăng dầu để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, VN đang có nhiều tín hiệu tích cực trong việc đẩy lùi dịch bệnh nên nhu cầu xăng dầu sẽ hồi phục từng bước. Một khi nhu cầu phục hồi ở khu vực khổng lồ như Đông Á thì áp lực chính trị giữa Ả Rập Xê Út và Nga cũng sẽ được hóa giải, thị trường sẽ dần cân bằng trở lại.
Khủng hoảng kinh tế năm 1974 - 1978 đã kéo giá dầu xuống tới 9 USD/thùng mà còn trở lại được, giá dầu hiện nay chưa xuống tới mức thấp nhất lịch sử và chắc chắn cũng sẽ không thể về 0”, ông Nghĩa khẳng định.
Trong khi đó, ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược, lại cho rằng kịch bản giá dầu về 0 hoàn toàn có khả năng xảy ra vì đây là câu chuyện của cung - cầu không gặp nhau và sự “lệch pha” này ngày càng lớn. “Trong lịch sử không chỉ có dầu, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, giá nhà tại Detroit (Mỹ) có khi chỉ còn 0 - 1 USD do không ai mua, trong khi chủ nhà bị mất việc, đang trả góp tiền nhà. Vì thế họ phải kêu người thân, bạn bè cho không ngôi nhà để chi trả các khoản thuế nhà, thuế đất...”, vị này dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông Robert Trần lưu ý loại dầu mà chuyên gia năng lượng thế giới cảnh báo có thể về 0 là dầu thô không giáp biển, nơi việc luân chuyển vào kho dự trữ trong đất liền gặp nhiều khó khăn trong khi 2 loại dầu phổ biến thế giới là WTI và Brent (chuẩn mực dầu toàn cầu) đều được sản xuất gần biển, giá dầu này đang được dự báo thấp nhất cũng phải 10 USD/thùng, hiện tại từ 20 - 25 USD/thùng. Ông Robert Trần nói, tại Canada, đã có nhiều tập đoàn đóng mỏ khai thác để bớt lún sâu trong những khoản lỗ. Ngành dầu khí VN cũng nên nghĩ đến chuyện sớm đóng các mỏ cho năng suất yếu kém để tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. “Tài nguyên không bị mất đi, khi đóng mỏ, doanh thu giảm, nhân công mất việc, nhưng lúc này là cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng. Hiện tại Trung Quốc tăng mua dự trữ dầu và thậm chí cả Mỹ cũng tăng mua vào, VN cũng nên học theo cách làm này”, vị này gợi ý.

Nguồn: thanhnien.vn
Eaz Cafe khác

Positive SSL