Theo Hãng tin Reuters, thành tựu này có thể mở ra tiềm năng hứa hẹn trong việc tìm ra giải pháp điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả bệnh COVID-19.
Nhà nghiên cứu Zhang Linqi thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho rằng một loại thuốc được làm từ những kháng thể giống như các kháng thể mà nhóm nghiên cứu của ông đã tìm ra có thể hiệu quả hơn những phương pháp điều trị hiện nay, trong đó bao gồm cả cách điều trị bằng huyết tương của những người đã khỏi bệnh.
Các huyết tương cũng chứa kháng thể nhưng lại bị giới hạn bởi nhóm máu.
Đầu tháng giêng năm nay, nhóm nghiên cứu của ông Zhang và một nhóm tại Bệnh viện nhân dân Thâm Quyến cơ sở 3 đã bắt đầu phân tích các kháng thể có trong máu lấy từ những người bệnh COVID-19 đã bình phục.
Họ đã phân lập thành công được 206 kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) mà theo mô tả của ông Zhang là chúng có khả năng gắn chặt với các protein của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Tiếp đó, họ thực hiện một xét nghiệm khác để xem những kháng thể này có thực sự ngăn chặn SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào được không.
Theo đó, trong số 20 kháng thể đầu tiên, 4 loại có thể ngăn chặn virus corona xâm nhập thế bào, 2 loại trong đó đã thể hiện khả năng này "rất xuất sắc", ông Zhang cho biết.
Lúc này nhóm nghiên cứu của ông Zhang đang tập trung xác định những kháng thể nào có hiệu quả chống corona mạnh nhất và có thể kết hợp chúng với nhau để giảm bớt nguy cơ chủng virus corona mới biến đổi.
Nếu mọi thứ suôn sẻ, những loại thuốc được phát triển theo phương pháp này có thể được thử nghiệm, trước hết trên động vật và sau cùng sẽ là trên người.
"Tầm quan trọng của các kháng thể đã được chứng minh trong thế giới y khoa nhiều thập kỷ nay - ông Zhang nói - Chúng có thể được dùng để điều trị ung thư, các bệnh tự miễn và các bệnh truyền nhiễm".
Nguồn: tuoitre.vn