Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters |
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo về tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu: “Châu Âu hiện nay đã trở thành tâm điểm của đại dịch với số ca nhiễm và ca tử vong ghi nhận được nhiều hơn các vùng khác trên thế giới cộng lại, ngoại trừ Trung Quốc đại lục. Hiện tại, nhiều số ca nhiễm được xác nhận hằng ngày ở châu Âu cao hơn số ca được ghi nhận tại Trung Quốc trong lúc cao điểm của dịch bệnh".
Tính tới 6h sáng 16/3, thế giới đã có 169.175 người mắc COVID-19 và 6.500 ca tử vong. 15/3 trở thành một trong những ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ đầu dịch bệnh với 667 người thiệt mạng. Tới nay, cũng đã có 76.618 người bệnh được điều trị thành công.
WHO xác nhận hiện đã có 157 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc COVID-19. Trong ngày 15/3, Uzbekistan, CH Congo, Seychelles và Guinea Xích đạo đã ghi nhận các ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Châu Âu nói chung và Italy nói riêng trở thành điểm dịch nóng nhất thế giới, ngoài Trung Quốc, khi chứng kiến số ca mắc bệnh và thiệt mạng tăng vọt.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia đang oằn mình chống dịch, đặc biệt tại Italy. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, quốc gia Nam Âu này đang là tâm dịch của khu vực. Ngày 15/3 (rạng sáng 16/3 theo giờ Việt Nam), giới chức Italy thông báo nước này đã ghi nhận thêm 368 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, Italy đã có tổng cộng 24.747 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.809 người tử vong. Trong vòng 24h qua, Italy cũng đã xác nhận có thêm 3.590 ca mới nhiễm COVID-19 và có 2.335 trường hợp được chữa khỏi.
Tây Ban Nha cho biết nước này đã chứng kiến thêm 96 người tử vong trong vòng 1 ngày qua và 1.407 ca bệnh mới, nâng tổng số nạn nhân tử vong và mắc COVID-19 lên lần lượt là 292 và 7.798 trường hợp. Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai bởi dịch COVID-19, sau Italy.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày để đối phó với dịch COVID-19, trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ trường hợp đi làm, khám chữa bệnh, mua thuốc hoặc mua nhu yếu phẩm.
Đức cũng lần lượt ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Trong ngày 15/3, Đức ghi nhận thêm 2 ca tử vong, 1.214 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số lên 11 người thiệt mạng và 5.813 ca bệnh. Đức đã quyết định đóng cửa biên giới với Áo, Pháp và Thụy Sĩ, Đan Mạch và Luxemburg trong nỗ lực hạn chế tình trạng lây nhiễm COVID-19 khi số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân.
Trong khi đó tại Thụy Sĩ, áp lực ngày một gia tăng lên hệ thống y tế trong bối cảnh số ca dương tính với COVID-19 tăng vọt lên 2.200 người tính đến ngày 15/3. Trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận tại Thụy Sĩ đã tăng gần 1.000 ca - mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 25/2.
Hy Lạp thông báo sẽ cấm các tuyến đường trên bộ, trên biển và hàng không tới Albania và CH Bắc Macedonia, đồng thời cấm các chuyến bay tới và từ Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Pháp thông báo sẽ giảm dần các chuyến đi dài bằng tàu, xe buýt và máy bay trong những ngày tới để hạn chế sự lây lan của virus.
Ngày 15/3, nhà chức trách y tế Anh thông báo, trong 24h qua, số người nước này tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 21 người, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 35 người, trong khi số người được chẩn đoán nhiễm virus này tăng 20% lên 1.372 người. Trước đó cùng ngày Chính phủ Anh cho biết họ sẽ đẩy mạnh các biện pháp ứng phó với COVID-19, trong đó có việc cách ly người cao tuổi "trong những tuần tới".
Nhiều quốc gia châu Âu khác như Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển đều đã ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 vượt quá 1.000 người.
An Bình
Link: http://baochinhphu.vn