Chỉ độ chục ngày ngắn ngủi, thành quả đi làm cả năm sẽ bị tiêu gần hết.
Khi đi làm, tôi mới hiểu được việc ngày tôi còn nhỏ, bố mẹ đã tịch thu những bao lì xì của họ hàng, khách khứa đến thăm nhà dịp Tết đã tặng cho mình.
Thực chất, bố mẹ đang hồi vốn cho số tiền của mình: tiền lì xì mà tôi nhận được thực chất là tiền của bố mẹ đã lì xì cho con cái của khách.
Tết mang lại niềm vui, mong chờ mới nhưng đi kèm là sự so sánh, áp lực. Và nói theo một các trần trụi là do áp lực liên quan đến tiền bạc.
Nhiều người chia sẻ, chi phí về quê ăn Tết của nhiều gia đình tốn một, hai tháng lương hay thậm chí bốn năm tháng lương là chuyện bình thường, nhưng họ phải về vì chuyện lễ nghĩa.
Năm nay, công ty tôi chưa công bố thưởng Tết, chắc chắn sẽ giảm so với những năm trước, khi mức thưởng cố định của tôi là 20 triệu đồng. Nhưng những năm trước, dù lãnh tiền nhưng tôi cũng không muốn về quê ăn Tết vì quá tốn kém.
Lý do là vì lương hàng tháng của tôi vừa đủ để xoay xở chi phí sinh hoạt và phát triển bản thân, tích lũy hàng tháng hầu như chẳng được bao nhiêu. Vì thế, cũng như nhiều người lao động khác, tôi trông chờ thưởng Tết và đây chính khoản tiền tích lũy dư ra sau một năm đi làm.
Nhưng tôi có cảm giác như tiền thưởng cuối năm đã biến mất ngay khi tôi nhận được vì những chi phí lì xì, quà cáp, vé tàu xe, tiền biếu...
Tâm lý đón chờ Tết với niềm vui sum họp xen lẫn với tâm lý sợ sệt vì thành quả cả năm đi làm bị bào mòn chỉ trong vài ngày ngắn ngủi thật đáng sợ.
Trung Nghĩa