Thời điểm Tết Giáp Thìn 2024 gần kề, các xưởng gốm làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) lại tất bật "trình làng" nhiều sản phẩm linh vật rồng độc đáo. Trong đó, các mẫu linh vật rồng dát vàng và rồng đất được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Nằm sâu trong làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), khu xưởng rộng lớn với 400 công nhân của công ty gốm Bảo Long những ngày đầu năm 2024 đang hoạt động liên tục. Năm nay, đáp ứng nhu cầu của thị trường, xưởng gốm đã tạo ra nhiều sản phẩm phong thủy rồng và họa tiết rồng độc đáo.
Để làm ra bất kỳ sản phẩm gốm nào, người nghệ nhân đều phải lựa chọn và xử lý kỹ đất. Sau đó, chia nhỏ phần đất theo một định lượng nhất định trước khi tạo khuôn.
Công đoạn tạo khuôn đòi hỏi kỹ thuật và thời gian nhất định. Người thợ lúc này phải kiểm tra liên tục để tránh những sai sót trong những công đoạn tiếp theo.
Kỳ linh rồng ngậm ngọc được các thợ thủ công phải thay nhau chế tác từ khâu lên khuôn, tạo hình sản phẩm, hoàn thiện phần thô, tráng men, nung gốm rồi đến công đoạn tạo màu cho sản phẩm hoặc dát vàng nếu khách yêu cầu.
Bình quân mỗi ngày, người thợ làm thủ công trong khoảng 10 tiếng mới ra 4-5 thành phẩm. Đặc biệt, khâu chế tác sản phẩm, tạo hình từ đất sét là công đoạn quan trọng, đòi hỏi người thợ gốm phải có thẩm mỹ cao, khéo léo tạo hình, sao cho rồng phải thể hiện được thần thái sống động của một linh vật Việt Nam.
Sản phẩm sau khi được tạo hình sẽ được phơi khô, để ráo trước khi cho vào lò nung ở nhiệt đô cao.
Sau khi được hoàn thiện cơ bản và được tráng men, sản phẩm "phôi" gốm sẽ được nung trong khoảng 5 ngày.
Thành phẩm kỳ linh rồng ngậm ngọc
Để linh vật rồng tiết kiệm gần gũi với người dân, cơ sở sản xuất đã cách điệu trong tạo hình cũng như kẻ vẽ những đường nét để linh vật rồng nhìn đẹp nhất, gần gũi với người dân nhất.
Phương Cúc/VOV.VN