Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar so sánh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hong Kong với các dự án đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc ở Myanmar mà Mỹ đã cảnh báo là những bẫy nợ. Mỹ cũng đề cập đến tình trạng đưa phụ nữ từ Myanmar sang làm cô dâu ở Trung Quốc, cũng như đưa ma túy từ Trung Quốc sang Myanmar.
“Đây là cách một nền chủ quyền hiện đại bị mất – không phải thông qua các hành động kịch tính, công khai, mà qua những điều nhỏ hơn dẫn tới sự xói mòn dần theo thời gian” – Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar cảnh báo.
Qua hôm sau, ngày 19-7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar ra tuyên bố cáo buộc Mỹ “bôi nhọ quá đáng” Bắc Kinh và chia tách quan hệ giữa mình với các nước láng giềng Đông Nam Á quanh các vấn đề Biển Đông và Biển Đông, theo Reuters.
Cờ Mỹ và cờ Trung Quốc được bày biện trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23-5-2018.
Ảnh: Brendan Smialowski /AFP/CNNĐáp trả cáo buộc của Mỹ rằng Bắc Kinh đang hủy hoại chủ quyền của các nước láng giềng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho rằng các cơ quan Mỹ ở nước ngoài đang làm “những điều đáng ghê tởm” để kiềm chế Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho rằng Mỹ đã “trưng ra một bộ mặt ích kỷ, đạo đức giả, đáng khinh, và xấu xí”.
“Mỹ trước hết cần nhìn vào gương để xem liệu giờ mình có còn giống một nước lớn hay không” – Đại sứ quán Trung Quốc chỉ trích.
Trung Quốc cho rằng tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ thể hiện một thái độ “nho còn xanh” (ăn không được thì chê - PV) của Mỹ với “quan hệ lành mạnh giữa Trung Quốc và Myanmar” và là “một tác phẩm nữa trong tour lưu diễn toàn cầu cùa nhà cầm quyền Mỹ nhằm chuyển hướng chú ý ra khỏi các vấn đề nội địa cũng như để tìm ưu thế chính trị ích kỷ”.
Theo Reuters, cả Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ quán Mỹ đều không trả lời điện thoại đề nghị bình luận thêm về các tuyên bố tranh cãi qua lại này.
Myanmar đã và đang trở thành một chiến trường giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ kể từ khi quan hệ giữa Myanmar với phương Tây xấu đi quanh vấn đề người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Trao đổi với Reuters, sử gia Thant Myint-U cho rằng dù không thể cạnh tranh về giá trị kinh tế với các nước khác nhưng Myanmar có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa Trung Quốc đại lục với vịnh Bengal.
ĐĂNG KHOA
PLO.VN