Ông Lê Minh Tấn cho biết:
- Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn TP.HCM đã có 327.952 lao động nghỉ việc. Tính đến ngày 24-6, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 90.041 người. Qua khảo sát nhanh của ngành chức năng cho thấy có 13.933 doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng, chiếm 85,4% trong tổng số hơn 16.300 DN được khảo sát. Sở đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH và lãnh đạo TP.HCM về dự báo và phương án ứng phó từ nay đến cuối năm.
* Sở LĐ-TB&XH đánh giá ra sao về tình hình từ nay đến cuối năm và giải pháp cụ thể như thế nào?
- Từ thực tế trên, dự báo trong 6 tháng cuối năm có thể xảy ra hai tình huống. Nếu dịch COVID-19 diễn biến xấu, một số ngành dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải...) và công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, da giày, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng...) sẽ gặp nhiều khó khăn. Dự báo có khoảng 4.800-5.000 DN bị ảnh hưởng với 160.000-180.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.
Trong trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động DN khởi sắc trong những tháng cuối năm sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ (lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (dệt may, da giày, chế biến gỗ...) vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động xuất nhập khẩu bị gián đoạn. Dự kiến có khoảng 4.400 DN bị ảnh hưởng với 100.000-120.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.
* Sở có giải pháp nào để hỗ trợ DN, người lao động khi tình huống xấu xảy ra?
- Trong tình huống có nhiều DN sử dụng đông lao động (trên 500 lao động) gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có đơn hàng, buộc phải cho nhiều người lao động thôi việc, rất cần có sự phối hợp xử lý của nhiều cơ quan.
Sở LĐ-TB&XH chủ động thành lập 3 tổ công tác để cùng phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp, UBND quận huyện nắm bắt và giải quyết tình hình. Những tổ công tác này có trách nhiệm tham vấn, đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động.
Trong trường hợp DN gặp khó khăn phải cho nhiều lao động thôi việc, tổ công tác sẽ tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của DN về những khó khăn, tình hình sử dụng lao động, phương án cắt giảm lao động cũng như nguyện vọng của người lao động để tham vấn giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, tổ công tác có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, giám sát DN giải quyết chế độ cho người lao động bị thôi việc, mất việc (đảm bảo tiền lương, phép năm, trợ cấp thôi việc, mất việc, đóng và chốt sổ bảo hiểm xã hội theo quy định).
Bên cạnh đó khuyến nghị chủ DN có chính sách hỗ trợ có lợi hơn cho người lao động cũng như ưu tiên đảm bảo việc làm đối với người lao động yếu thế, lao động lớn tuổi, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ hoặc lao động đang gặp khó khăn...
Tổ công tác này cũng sẽ phối hợp với DN rà soát, sàng lọc lao động để có kế hoạch hỗ trợ tư vấn pháp lý, đào tạo lại, giải quyết việc làm. Đồng thời chủ động liên hệ với các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng để điều phối, giải quyết việc làm.
Ngoài ra, các tổ công tác còn được giao tổ chức sàn giao dịch việc làm, kết nối với hệ thống các DN có chức năng cho thuê lại lao động, DN hoạt động dịch vụ việc làm để có nhiều kênh thông tin về việc làm, kịp thời hỗ trợ người lao động ngay khi DN lên kế hoạch cắt giảm lao động.
95% người khó khăn được thống kê đã nhận hỗ trợ
Theo ông Lê Minh Tấn, tính đến cuối tháng 6-2020, TP.HCM đã giải quyết hỗ trợ hơn 510.000/542.228 người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 (chiếm 95%) theo nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP với số tiền khoảng 560 tỉ đồng. Trong đó:
* Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc): đã hỗ trợ hơn 38.000 người (đạt gần 90%).
* Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp: đã hỗ trợ hơn 800 người (đạt trên 41%).
* Giáo viên, nhân viên các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương: đã hỗ trợ hơn 11.000 người (đạt hơn 88%).
* Người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do): đã hỗ trợ hơn 160.000 người (đạt gần 83%).
* Hộ kinh doanh: đã hỗ trợ gần 1.200 hộ (đạt gần 55%).
* Người bán vé số lưu động: tổng cộng 2 đợt đã hỗ trợ hơn 20.000 người (đạt xấp xỉ 100% trong đợt 1 và đạt gần 74% trong đợt 2 cuối tháng 4-2020).
* Người có công với cách mạng: đã hỗ trợ gần 32.500 người (đạt 99,8%).
* Đối tượng bảo trợ xã hội: đã hỗ trợ gần 123.500 người (đạt 99,5%).
* Người nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của TP: đã hỗ trợ 110.885 người (100%).
M.HƯƠNG
TUOITRE.VN