Chấm điểm bằng PCMark, kết quả cho thấy Reno 3 Pro với chip Helio P95 lại có điểm số cao hơn Reno 3 với chip Dimensity 1000L.
Kết quả benchmark thực tế và gian lận trên chiếc Reno 3 Pro (chip MediaTek Helio P95). Ảnh: Anandtech. |
Kết quả này đặt ra nhiều thắc mắc bởi so với nhân Cortex-A77 trên Dimensity 1000L, nhân Cortex-A75 trên chip Helio P95 cũ hơn đến 2 năm. Hơn nữa, đây là nhân hiệu năng cao, trong khi Helio P95 chỉ có 2 nhân thì Dimensity 1000L có đến 4 nhân như vậy.
Khi kiểm tra lại bằng phiên bản PCMark độc quyền do nhà phát triển cung cấp, Anandtech phát hiện điểm số tổng thể trên chip Helio P95 giảm 30%, một số mục kiểm tra cho kết quả thấp hơn đến 75%.
Để chắc chắn hơn, Anandtech tiếp tục kiểm tra phiên bản Reno 3 Pro Trung Quốc với chip Snapdragon 765G, kết quả hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu đáng ngờ.
Kiểm tra các file hệ thống trên Reno 3 Pro chip Helio P95, Anandtech phát hiện đoạn mã gắn với các ứng dụng chấm điểm hiệu năng (benchmark) liên quan đến chế độ hiệu năng cao. Khi phát hiện có ứng dụng benchmark, chế độ này sẽ tăng cường tốc độ các thành phần trong máy để cho ra hiệu suất cao hơn.
Không chỉ Reno 3 Pro, đoạn mã còn xuất hiện trên loạt thiết bị sử dụng chip MediaTek như Realme C3, Xiaomi Redmi Note 8 Pro, Vivo S1, Sony Xperia XA1... Riêng mẫu Xperia XA1 với chip Helio P20 ra mắt từ năm 2017 cho thấy MediaTek đã gian lận điểm hiệu năng trong suốt 2 năm.
Samsung từng vướng vào vụ kiện 5 năm do gian lận điểm benchmark trên chiếc Galaxy S4, bị phát hiện lần đầu năm 2013. Ảnh: The Verge. |
Đây là lần hiếm hoi một nhà sản xuất chip xử lý bị phát hiện gian lận điểm benchmark. Trước đó, nhiều hãng smartphone như Samsung, LG hay Huawei đã được "gọi tên".
Năm 2013, Samsung bị phát hiện tăng xung nhịp CPU và GPU trên chiếc Galaxy S4 nếu phát hiện có ứng dụng benchmark nhằm tăng điểm số. Sau nhiều năm kiện tụng, Samsung đã đồng ý hoàn trả 10 USD cho mỗi người mua Galaxy S4 vào tháng 10/2019.
Trong phản hồi chính thức, MediaTek cho biết họ luôn tuân theo các tiêu chuẩn, tự tin khẳng định benchmark thể hiện chính xác khả năng chip xử lý.
MediaTek ghi rằng một số hãng smartphone có thể linh hoạt cấu hình thiết bị của họ theo ý muốn, thiết kế sản phẩm hoạt động với hiệu năng cao nhất khi benchmark nhằm chứng tỏ một chip xử lý khi hoạt động hết công suất sẽ như thế nào.
Nhà sản xuất chip cho biết các hãng điện thoại có thể đưa ra quyết định cuối cùng về tối ưu hóa chip xử lý. Một số hãng cung cấp cho thiết bị chế độ hiệu năng cao, tuy nhiên Anandtech cho rằng chế độ này là "vô nghĩa" khi chỉ phục vụ cho benchmark và không có tác dụng khi sử dụng hàng ngày.
Cuối cùng, MediaTek chỉ trích Anandtech vì thắc mắc với kết quả benchmark này, khẳng định đây là tiêu chuẩn công nghiệp, và các nhà sản xuất chip khác cũng có tinh chỉnh tương tự.