Phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức, nhà khoa học trẻ, tận dụng công nghệ sẵn có để tạo ra những sản phẩm hữu ích là nỗ lực để mỗi người trẻ cùng chung sức chống dịch.Buồng khử khuẩn toàn thân di động, dung dịch sát khuẩn, chiếc máy rửa tay tự động và nhiều công trình khác đã ra đời trong đòi hỏi cấp bách trước diễn biến dịch bệnh, để cùng đi đến mục tiêu duy nhất: phòng chống và đẩy lùi dịch càng sớm càng tốt.
Buồng khử khuẩn của Đoàn
Buồng khử khuẩn toàn thân phiên bản đầu tiên ra mắt chiều tối 18-3 tại TP.HCM như chiếc phòng di động. "Đứa con" ấy ra đời sau cuộc hội ý, làm việc khẩn trương giữa Thành đoàn TP.HCM với Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (TST) và Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại Trường ĐH Bách khoa được giao "sứ mệnh" này.
Buồng được thiết kế với vật liệu gọn nhẹ, có bánh xe dưới các chân đế để thuận tiện di chuyển và có thể lắp đặt ở bất kỳ đâu do không chiếm quá nhiều diện tích. "Việc chống dịch là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi có ba ngày để lên ý tưởng, thiết kế mẫu, chọn công nghệ, ra mắt sản phẩm đầu tiên. Dung dịch sử dụng chính là dung dịch sát khuẩn anolyte do các nhà khoa học trẻ của TP.HCM nghiên cứu, sản xuất" - giám đốc TST Đoàn Kim Thành chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến - giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại Trường ĐH Bách khoa - cho biết ông cùng các cộng sự đã chọn công nghệ phun sương với hệ thống phun siêu âm 360. Công nghệ này giúp dung dịch khi phun ra như dòng sương với các hạt có kích thước cực nhỏ nên không gây ướt và chỉ cần 30 giây để khử khuẩn toàn thân, diệt vi khuẩn, virus trên bề mặt quần áo, túi xách.
Đèn vàng bật sáng, người bước vào và buồng nhận diện bằng cảm biến, bắt đầu phun khử khuẩn khi đèn đỏ sáng. Hết 30 giây, đèn xanh bật sáng tức là đã xong. Khi người bước ra, đèn vàng sáng trở lại để chờ người tiếp theo. Khi không có người, buồng dừng phun dung dịch.
PGS.TS Nguyễn Danh Thảo - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - cho rằng nhóm tác giả còn tiếp tục cải tiến công trình này. "Có thể thiết kế buồng như một đường hầm để nhiều người dùng cùng lúc, cửa đóng mở tự động để tránh chạm tay vào, hoặc thiết kế vòng xoay nhẹ dưới chân để dung dịch phun ra đều khắp người..." - ông Thảo nói.
Biến chuyên môn thành sản phẩm
Từ câu hỏi phải tìm thêm giải pháp chống dịch, các nhà khoa học trẻ của chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện tại TP.HCM cho ra đời dung dịch sát khuẩn anolyte. Sản phẩm này là kết quả nghiên cứu thực hiện quy trình công nghệ điện phân nước Envirolte (EW, EOW). Đó là quá trình điện phân dung dịch muối ăn (NaCl) di chuyển qua điện cực được thiết kế đặc biệt để tạo ra dung dịch anolyte có khả năng kháng khuẩn cao.
Các nhà khoa học trẻ tạo ra sản phẩm nói có thể dùng phun sát trùng chống lại các loại vi khuẩn, virus, khử độc sinh học, diệt khuẩn sàn nhà, phòng học, rửa tay hoặc làm sạch thực phẩm. Tùy mục đích sử dụng sẽ có tỉ lệ pha giữa dung dịch và nước khác nhau. Phó giám đốc TST Trần Đức Sự cho biết sản phẩm đã qua kiểm định, được phép sử dụng, và đến nay đã tặng gần 31.000 lít cho hàng trăm đơn vị: trường học, viện dưỡng lão, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật, mái ấm, nhà mở...
Trong khi đó, Đoàn Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn tặng bồn rửa tay điều khiển vòi nước bằng cần gạt chân để tránh chạm tay cho học sinh một số trường học ở ngoại thành, vùng ven TP.HCM. Các bạn trẻ ngành y tế một vài nơi tận dụng giờ nghỉ tự may khẩu trang để dùng, giảm tải cơn sốt khẩu trang. Chưa kể việc tổng vệ sinh thường xuyên được thực hiện khắp nơi.
Phó bí thư thường trực Thành đoàn Phan Thị Thanh Phương nói mỗi đoàn viên, thanh niên, cán bộ Đoàn TP rất quan tâm và luôn bình tĩnh, không hoảng loạn trước các thông tin, diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà cùng TP chung sức phòng chống. "Hệ thống Đoàn toàn TP trong khả năng của mình sẽ nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao và chủ động xác lập những công việc cụ thể, là cách để tuổi trẻ chung sức cùng TP chống dịch" - chị Thanh Phương nói.
Sản phẩm "chào đời" trong mùa dịch
Trước đó, buồng khử khuẩn toàn thân di động cũng đã ra mắt tại Hà Nội, công trình của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế). Kết quả kiểm nghiệm ban đầu cho thấy trên 90% các loại vi khuẩn, virus bám trên bề mặt quần áo, cơ thể và các vật dụng trên người bị loại bỏ hoàn toàn chỉ sau 30 giây đứng trong buồng khử khuẩn di động.
Còn tại Quảng Trị, cậu học trò Dương Phúc Hiếu (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đã tìm tòi tạo ra chiếc máy rửa tay diệt khuẩn tự động. Trong máy chứa sẵn dung dịch sát khuẩn, chỉ cần đưa tay vào đầu phun, bộ phận cảm biến sẽ nhận diện và phun ra một lượng dung dịch sát khuẩn đủ dùng mà người dùng không cần thêm bất kỳ thao tác nào khác. Tác giả thiết kế cho biết ưu điểm của máy là giúp cho việc rửa tay nhanh, tiện dụng, tiết kiệm dung dịch diệt khuẩn và không phải chạm tay lên bất cứ bề mặt nào.
Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học - công nghệ) đã nghiên cứu lắp đặt thiết bị đo thân nhiệt tự động không tiếp xúc giúp cảnh báo, phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh. Hệ thống tự vận hành, đo nhiệt độ bằng bức xạ hồng ngoại, đưa ra cảnh báo tương ứng với màu sắc nếu người đo có nhiệt độ vượt ngưỡng cảnh báo.
Nhiều đặt hàng
Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) cho biết hai hôm nay sản phẩm buồng khử khuẩn di động nhận được nhiều đặt hàng. Hiện buồng (kích thước 1,9m x 1m x 1,12m) đang có giá 30 triệu đồng. Sau phiên bản đầu tiên, buồng đang được cải tiến với thiết kế và công nghệ tốt hơn.
Giám đốc trung tâm Đoàn Kim Thành nói sắp tới sản xuất khoảng 100 buồng để kịp cung cấp cho nhu cầu tại TP.HCM, một số tỉnh phía Nam. Cạnh đó, đơn vị này cũng đang bán dung dịch sát khuẩn anolyte giá 20.000 đồng/lít. Giá này không lợi nhuận, chỉ dùng để mua nguyên liệu tái sản xuất. Liên hệ Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (số 1 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM, ĐT: (028) 38233363, email: khoahoctre@gmail.com, website: www.khoahoctre.com.vn).
Được sự đồng thuận của Trung tâm Y tế Vị Thanh (Hậu Giang), thiết bị rửa tay phun dung dịch tự động của đơn vị này đã được nhân viên kỹ thuật Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cải tiến một số chi tiết khi sản xuất ra máy tại bệnh viện. Đó là có thêm vạch theo dõi lượng dung dịch còn trong thiết bị, nơi châm dung dịch không cần tháo thiết bị, đổi bộ cảm biến... BS Võ Văn Tỵ - trưởng phòng quản trị - nói bệnh viện hiện sản xuất dùng nội bộ, tặng một số cơ quan có mối liên hệ, đối tác của bệnh viện và có nhu cầu thật sự chứ chưa bán bên ngoài.
Trong khi đó, thiết bị tương tự do Trung tâm Y tế Vị Thanh (Hậu Giang) chế tác có thể chạy bằng điện hoặc pin, hiện được chào giá từ 1-1,5 triệu đồng/chiếc. Đơn vị này đã bán cả trăm chiếc và hiện nhận được đặt hàng từ nhiều nơi.
Nguồn: tuoitre.vn