Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 14 giờ ngày 20-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 9.841. Tổng số ca nhiễm là 234.034. Có 85.797 ca chữa khỏi.
Trung Quốc có 80.967 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.248 người đã tử vong. Ý hiện nay đã vượt Trung Quốc về tổng số người chết do đại dịch này, cụ thể là 3.405 ca.
Hiện dịch bệnh đã lây lan cho 181 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh ngoài Trung Quốc là Ý, Iran, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hàn Quốc...
Ngoài các trường hợp nhập cảnh, Trung Quốc không ghi nhận thêm bất cứ ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong nước trong ngày thứ hai liên tiếp.
Trung Quốc cũng ghi nhận chỉ ba ca tử vong trong ngày 19-3, mức thấp nhất theo ngày trong hai tháng qua tính từ ngày 21-1, hai ngày trước khi Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh.
Một nhóm nhân viên y tế tình nguyện rời Vũ Hán sau khi dịch tại nước này lắng xuống. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Theo số liệu được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 20-3, Trung Quốc đại lục ghi nhận 39 ca nhiễm mới trong ngày 19-3, toàn bộ đều là người vừa nhập cảnh Trung Quốc. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Trung Quốc không có ca nhiễm mới phát sinh trong nước.
Tổng cộng, Trung Quốc đã ghi nhận 80.976 ca nhiễm và 3.248 ca tử vong tại đại lục. Đến nay, 6.559 người vẫn đang được điều trị, với 2.136 ca bệnh nặng.
California, tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, đã chỉ thị cho 40 triệu dân phải ở trong nhà giữa lúc tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Thống đốc Gavin Newsom cho biết lệnh này sẽ có hiệu lực tối 19-3 và là biện pháp khắt khe nhất mà một tiểu bang ở Mỹ đã triển khai tới lúc này.
Thống đốc bang California Gavin Newsom. Ảnh: REUTERS
“Chúng ta phụ thuộc vào nhau... đòi hỏi chúng ta phải ra lệnh trên toàn bang yêu cầu mọi người ở nhà” - ông Gavin Newsom nói.
Điều đáng lưu ý là thống đốc chỉ đưa ra ngày lệnh có hiệu lực nhưng không đưa ra ngày kết thúc lệnh phong tỏa này vì đại dịch “còn nhiều thay đổi”.
California là một trong những bang của Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 và đã có ít nhất 19 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 900 ca nhiễm, theo thống kê của Đại học John Hopkins tính đến sáng 20-3 (giờ Việt Nam).
Một loạt nghiên cứu mới về virus COVID-19 cho thấy nó có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn các loại virus cùng loại, chẳng hạn như virus gây ra SARS, theo South China Morning Post.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trung bình, những người mắc SARS-CoV-2 (COVID-19) có thể phát tán virus trong thời gian 20 ngày, khiến mầm bệnh lây lan thậm chí trước khi xuất hiện triệu chứng.
Một phát hiện khác là loại virus này vẫn tồn tại trong phân của một số trẻ em. Điều này cho thấy nó có thể lây truyền qua đường phân - miệng.
Theo một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản, bao gồm chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Cao Bin, thời gian cách ly cần phải được kéo dài hơn.
“Khoảng thời gian 20 ngày sẽ đảm bảo vượt qua thời gian một người có thể phát tán virus” - ông Cao Bin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Caixin vào ngày 11-3.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 44% việc lây nhiễm có thể xảy ra trước khi người nhiễm bệnh xuất hiện triệu chứng. Nghiên cứu này cho thấy sự tương đồng lớn của COVID-19 và cúm mùa hơn là SARS.
Trong một bài báo khác được xuất bản bởi tạp chí Y học Tự nhiên tuần trước, các nhà nghiên cứu ở Quảng Châu đã nghiên cứu 10 trẻ em từ hai tháng đến 15 tuổi và thấy rằng tám trường hợp liên tục dương tính khi lấy mẫu ở trực tràng sau khi mẫu dịch tiết ở mũi có kết quả âm tính.
“Điều này cho thấy đường tiêu hóa có thể phát tán virus và đường lây truyền từ phân đến miệng là hoàn toàn có thể xảy ra” - nghiên cứu cho biết.
Nguồn: plo.vn