Galaxy M31 vẫn có thời lượng pin xuất sắc nhất đặc trưng của dòng M nhưng được nâng cấp về camera với chất lượng chụp ảnh không hề kém cạnh các smartphone trong cùng phân khúc.
Kể từ ngày ra mắt, dòng Galaxy M của Samsung đã có được chỗ đứng trên thị trường nhờ mức giá phải chăng cùng cấu hình hợp lý. Trên thực tế, vào năm ngoái, sự xuất hiện của Galaxy M30s chắc chắn đã khiến không ít người dùng Galaxy A50s cảm thấy bị "hớ": Ngoại trừ thiết kế bắt mắt hơn và trang bị cảm biến vân tay dưới màn hình, Galaxy A50s về cơ bản là giống hệt Galaxy M30s, với dung lượng pin thấp hơn đáng kể và giá khởi điểm đắt hơn gần 1 triệu đồng.
Tại sự kiện ra mắt chiếc Galaxy M31, Samsung từng nói rằng camera, thời lượng pin và chất lượng hiển thị của màn hình là những yếu tố quan trọng nhất đối với người dùng trẻ hiện nay. Dung lượng pin 6.000 mAh giúp Galaxy M30s có thời lượng pin rất tốt, và có lẽ chất lượng màn hình Super AMOLED của Samsung là thứ không cần phải bàn cãi nữa. Do đó, không có gì khó hiểu khi camera là mục tiêu chính về mặt nâng cấp của Galaxy M31.
Tại thị trường Việt Nam, Galaxy M31 có giá bán 6,49 triệu đồng, rẻ hơn thế hệ cũ tới 0,5 triệu đồng tại thời điểm ra mắt.Thiết kế giọt nước quen thuộc, chưa cập nhật trào lưu đục lỗ
Sau khi lần đầu xuất hiện trên bộ đôi flagship Galaxy Note 10 và Note 10+, thiết kế màn hình đục lỗ Infinity-O đang ngày càng trở nên phổ biến trong các dòng smartphone của Samsung. Tuy nhiên, có vẻ như để tiết kiệm chi phí, dòng Galaxy M 2020, cụ thể là M31, vẫn chưa được "phổ cập" thiết kế này, thay vào đó vẫn là thiết kế giọt nước Infinity-U.
Vì vậy, thiết kế của Galaxy M31 về cơ bản là giống hệt với đàn anh M30s. Phiên bản màu đen tạo cảm giác các cạnh viền của máy khá mỏng nhưng thực tế thì viền máy của điện thoại này chỉ ở mức trung bình, đặc biệt là viền dưới vẫn hơi dày.
Phần giọt nước là nơi chứa camera selfie và dải loa thoại. Trên Galaxy M31, Samsung đã nâng cấp lên độ phân giải 32MP so với 16MP của Galaxy M30s.
Mặt lưng của Galaxy M31 không khác biệt nhiều thế hệ cũ, vẫn dùng chất liệu nhựa giả kính 3D Glasstic nhưng không có các hoa văn hình khối hay hiệu ứng chuyển màu gradient. Phiên bản màu đen có mặt lưng bóng, vân tay dễ lộ vết bẩn. Có thể hai phiên bản màu xanh và đỏ của M31 sẽ hạn chế được tình trạng này.
Samsung tiếp tục giữ lại cảm biến vân tay trên mặt lưng, một quyết định mà tôi cho là đúng đắn. Công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình, dù là quang học hay siêu âm, vẫn còn quá non trẻ để có thể đáp ứng được tốc độ cũng như mức độ tin cậy của cảm biến vân tay vật lý.
Cụm camera sau là thay đổi đáng chú ý nhất trên Galaxy M31. Trong đó, hai thay đổi đáng kể nhất về camera là chiếc camera chính được nâng lên độ phân giải 64MP sử dụng cảm biến ISOCELL GW1 của Samsung và sự xuất hiện của camera macro chuyên dụng. Ngay trên cụm camera sau có in dòng chữ "64 megapixel" cho thấy Samsung rất muốn người dùng nhìn thấy sự nâng cấp này. Hai camera còn lại trong cụm camera chính gồm một chiếc camera góc siêu rộng 8MP và một camera 5MP thu độ sâu ảnh hỗ trợ chụp ảnh xóa phông cho chiếc camera chính.
Có viên pin 6.000 mAh nên thân máy của Galaxy M31 dày và nặng, lần lượt 8,9 mm và 191g, nhưng đó là sự đánh đổi mà tôi và có lẽ nhiều người dùng khác sẵn sàng chấp nhận để có thời lượng pin tốt. Thân máy làm từ chất liệu nhựa, các cạnh viền được bo cong mềm mại nên cảm giác cầm nắm của Galaxy M31 vẫn thoải mái, tương xứng với mức giá.
Trên các cạnh, máy có đầy đủ các cổng phím quen thuộc, loa đơn nằm dưới cạnh đáy, hai khe cắm sim và thẻ nhớ độc lập. Jack tai nghe 3.5 mm vẫn được giữ lại (nhưng không tặng kèm tai nghe trong hộp), có vẻ như Samsung vẫn chưa sẵn sàng khai tử cổng kết nối này trên các dòng máy trung cấp và phổ thông.
Màn hình: hài lòng với chất lượng tấm nền Super AMOLED
Galaxy M31 được trang bị màn hình 6.4 inch, độ phân giải 2340x1080 pixel, tấm nền Super AMOLED được bảo vệ bởi tấm kính cường lực Gorilla Glass 3. Mặc định, máy sẽ hiển thị ở chế độ Sống động cho màu sắc rực rỡ hơn, nịnh mắt hơn nhưng vì thế mà đậm hơn thực tế khá nhiều. Nếu muốn, người dùng vẫn có thể tuỳ chỉnh sang chế độ Tự nhiên để màu sắc trông tự nhiên nhưng sẽ không còn sống động như chế độ màu mặc định.
Chất lượng tấm nền Super AMOLED của Samsung là thứ đã được khẳng định, và giữa các máy cùng phân khúc với nhau không có khác biệt gì nhiều, độc giả có thể tham khảo thêm ở các bài viết đánh giá trước đây của VnReview. Thay vào đó, tôi muốn đi sâu hơn vào một "tính năng" khá bất ngờ của Galaxy M31 là HDR.
Gọi là "tính năng" bởi vì tuy Samsung không thực sự quảng bá HDR trên Galaxy M31 nhưng khi xem Youtube và Amazon Prime Video vẫn tự động chuyển sang nội dung HDR mỗi khi có thể (khá khó hiểu là Netflix thì không). Thế nhưng, hiệu năng HDR trên Galaxy M31 cũng không thực sự tốt, thứ nhất là vì độ sáng chưa đủ cho HDR, và thứ hai là việc thiếu vắng hỗ trợ dải màu rộng. Vì lẽ đó, nội dung HDR trên Galaxy M31 trông không khác biệt với SDR.
Ngoại trừ vấn đề đó, trong phần lớn thời gian thì tôi vẫn hài lòng với chất lượng hiển thị của Galaxy M31. Dù sao, trong tầm giá này, Super AMOLED vẫn sẽ tốt hơn IPS LCD về gần như mọi mặt.
Camera nâng cấp rõ rệt
Tiếp bước Galaxy A và Galaxy S, Galaxy M31 trở thành chiếc smartphone dòng Galaxy M đầu tiên được trang bị tới 4 camera sau gồm camera chính 64MP cảm biến ISOCELL Bright GW1, camera macro chuyên dụng 5MP, camera độ sâu trường ảnh 5MP và camera góc siêu rộng độ phân giải 8MP. Ở phía trước, camera selfie đã được nâng cấp lên độ phân giải 32MP.
Mặc định, camera chính 64MP chụp ảnh ở độ phân giải 16MP bằng công nghệ gộp điểm ảnh (pixel binning). Bạn có thể chụp đầy đủ độ phân giải 64MP nhưng máy sẽ không hỗ trợ HDR, ngoài ra thời gian chụp cũng lâu hơn trong khi chất lượng không khác biệt trong sử dụng thực tiễn. Vì vậy, trong hầu hết trường hợp, bạn chỉ cần chụp chế độ mặc định 16MP.
Với sự nâng cấp mạnh trên chiếc camera chính, không ngạc nhiên khi chất lượng ảnh chụp của Galaxy M31 tốt hơn so với thế hệ cũ nhiều. Trong điều kiện đủ sáng, camera chính 64MP cho ảnh giàu chi tiết, màu sắc tuy có bị đẩy lên rực hơn so với thông thường nhưng không bị gắt, dải sáng và dải tương phản rộng. Tính năng HDR xử lý chênh sáng tốt trong đa số trường hợp, dù thỉnh thoảng lùi sáng quá đà khiến ảnh cho cảm giác âm u dù trời sáng.
Ánh sáng phòng phức tạp nhưng Galaxy M31 vẫn xử lý tốt
Ảnh chế độ tự động (trên) và chế độ chụp đêm (dưới)
Khi chụp thiếu sáng, Galaxy M31 có xu hướng đẩy độ sáng của ảnh lên cao, chấp nhận suy giảm chi tiết. Tính năng chụp đêm có giúp cải thiện độ chi tiết, với điều kiện bạn phải giữ thật chắc tay hoặc có tri-pod, nhưng nếu quá tối thì cũng không thể tạo ra phép màu để "cứu" bức ảnh được.
Ảnh camera chính (trên) và camera góc rộng (dưới)
Ảnh camera chính (trên) và camera góc rộng (dưới)
Không gây ấn tượng nhiều như camera chính, chiếc camera góc siêu rộng 8MP của Galaxy M31 vẫn đủ đáp ứng nhu cầu khi chụp đủ sáng, màu sắc được đẩy lên đậm hơn so với camera chính để ảnh phong cảnh, kiến trúc bắt mắt hơn. Tuy nhiên khi zoom lên thì ảnh từ camera góc siêu rộng này sẽ không giàu chi tiết do độ phân giải giới hạn ở 8MP.
Khi đủ sáng, ảnh lên màu rất tự nhiên
Màu đỏ bị đẩy lên nhiều, dẫn đến mất chi tiết
Khi chụp xoá phông, Galaxy M31 cũng kết hợp camera chính 64MP và camera phụ 5MP để thu độ sâu ảnh, cho kết quả ảnh nhận diện và tách bạch chủ thể tốt, ít bị lem dù là chủ thể người hay vật. Mặc dù vậy, có vẻ như camera xóa phông chuộng những màu sắc lạnh hoặc nhẹ nhàng hơn là những màu sắc nóng như đỏ, cam. Khi lên hình, những sắc nóng này ở ảnh xóa phông được đẩy lên cao khiến ảnh bị rực và mất đi độ chi tiết.
Một nâng cấp đáng chú ý nữa của Galaxy M31 với thế hệ Galaxy M30s chính là camera macro chuyên dụng 5MP. Trong sử dụng thực tế, camera macro hoạt động khá hiệu quả, cho những bức ảnh cận cảnh sáng tạo. Tuy nhiên do không hỗ trợ lấy nét tự động nên quá trình chụp ảnh sẽ đòi hỏi có sự kiên nhẫn nếu không sẽ dễ bị mờ, nhoè.
Ảnh selfie thường (trên) và xoá phông (dưới).
Màu tóc của mẫu gần với màu phông nền nên xung quanh tóc xuất hiện quầng sáng do không nhận diện được hết.
Tuy nhiên, ảnh chênh sáng tốt hơn tôi kỳ vọng
Camera selfie của Galaxy M31 được tăng gấp đôi độ phân giải lên 32MP. Ảnh chụp có độ chi tiết cao và màu lên tự nhiên khi đủ sáng. Các ảnh chụp xoá phông vẫn làm mịn da nhẹ dù đã tắt hiệu ứng làm đẹp. Dù chỉ có một camera nhưng ảnh ở chế độ xóa phông vẫn khá lung linh. Ngoài ra, Samsung còn cung cấp một số hiệu ứng hay ho cho các bức ảnh xóa phông như xoáy, thu phóng hay điểm màu.
Hiệu năng đủ đáp ứng dùng hàng ngày, chơi game nên giảm cấu hình để duy trì độ mượt
"Trái tim" của Galaxy M30s, con chip Exynos 9611 với 4 nhân Cortex-A73 xung nhịp 2.3 GHz và 4 nhân Cortex-A53 xung nhịp 1.7 GHz đã được Samsung "bê nguyên xi" lên Galaxy M31, cùng với đó là 6GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Ở phân khúc này, đối thủ của Exynos 9611 sẽ là những cái tên như Snapdragon 712 và Helio G90T.
Do các ứng dụng benchmark quen thuộc như AnTuTu Benchmark hay GeekBench liên tục thay đổi cách tính điểm, VnReview cảm thấy việc so sánh điểm số giữa những chiếc điện thoại với nhau đã trở nên vô nghĩa và không còn khách quan, chưa kể VnReview không thể kịp thời cập nhật cơ sở dữ liệu (chẳng hạn, Galaxy M31 đạt hơn 192 nghìn điểm trên AnTuTu v8.3, nhưng Galaxy A51 có cùng cấu hình chỉ đạt 174 nghìn điểm trên AnTuTu V8.0.6).
Thay vào đó, VnReview sẽ tập trung vào hiệu năng chơi game, cũng như độ mượt của máy khi sử dụng trong thực tế. Với game, tôi lựa chọn ba tựa game là Dead Trigger 2, Liên Quân Mobile và PUBG Mobile, sử dụng phần mềm GameBench (gamebench.net) để theo dõi thông số khi chơi.
Mặc định, PUBG Mobile thiết lập cho Galaxy M31 mức đồ hoạ cao, mở khoá 40 fps, nhưng trên thực tế máy không "gánh" nổi thiết lập này, dẫn đến trồi sụt khung hình và nhanh nóng máy. Thay vào đó, tôi lựa chọn thiết lập đồ hoạ thấp nhất để được mở khoá 60 fps, suy cho cùng thì với một tựa game như PUBG Mobile thì số khung hình trên giây vẫn quan trọng hơn là đồ hoạ đẹp. Fps trung bình của Galaxy M31 đạt được là 49, không tệ, nhưng các cảnh cháy nổ khiến fps bị ảnh hưởng, dẫn đến độ ổn định khung hình chỉ là 70%.
Kể từ khi có đồ hoạ HD, Liên Quân Mobile đã nổi lên như một thách thức không phải chiếc smartphone nào cũng có thể vượt qua, đặc biệt là ở thiết lập cao nhất (mở hiệu ứng sương mù, chất lượng chi tiết rất cao,…). Galaxy M31 đạt fps trung bình 46, độ ổn định khung hình 82% ở thiết lập cao nhất, có lẽ người dùng nên giảm thiết lập xuống để hướng tới gameplay mượt mà hơn.
Mức đồ hoạ "Ultra High" của Dead Trigger 2 không làm khó được Galaxy M31, khi máy đạt fps trung bình là 58. Độ ổn định khung hình trong tựa game này là 85%, nhưng một phần là do fps bị khoá xuống khi tải màn chơi, trong quá trình chơi máy không có hiện tượng giật, lag.
Trong sử dụng thực tế, tốc độ mở ứng dụng hay những tác vụ cơ bản như lướt web, xem phim,... của Galaxy M31 đều ở mức đúng như kỳ vọng trong tầm giá. Dung lượng Ram 6GB cho khả năng đa nhiệm tốt, thoải mái mà không gặp vấn đề gì.
Thời lượng pin đứng đầu phân khúc tầm trung
Có hiệu năng ở mức trung bình, song con chip Exynos 9611 lại tiêu hao năng lượng rất tiết kiệm. Với viên pin dung lượng khủng 6.000 mAh, Galaxy M31 sở hữu thời lượng pin có thể nói là top đầu phân khúc tầm trung ở thời điểm hiện tại.
Thời gian xem phim liên tục, tính từ lúc pin đầy đến còn 10%, độ sáng 70%
Thời gian lướt web liên tục, tính từ lúc pin đầy đến còn 10%, độ sáng 70%
Thời gian chơi game liên tục, tính từ lúc pin đầy đến còn 10%, độ sáng 70%
Qua các bài thử nghiệm quen thuộc của VnReview, những con số của Galaxy M31 là rất ấn tượng, với thời gian xem phim liên tục lên tới 25 tiếng 32 phút, thời gian chơi game liên tục 11 tiếng 15 phút và lướt web liên tục 15 tiếng 47 phút. Sử dụng thực tế, với tần suất trung bình, phải đến buổi tối của ngày thứ hai thì tôi mới phải sạc pin.
Galaxy M31 đi kèm cục sạc 15W, khó có thể kỳ vọng gì hơn ở mức giá này. Sạc đầy từ 0% mất khoảng 2 giờ 30 phút, sau 1 tiếng thì máy sạc được 30%, nhưng nếu tiết kiệm thì 30% đó hoàn toàn đáp ứng được một ngày làm việc.
Phần mềm: Android 10 và One UI Core 2.0
Giống như mọi smartphone Galaxy khác mà Samsung ra mắt trong năm 2020, Galaxy M31 cũng được cài đặt sẵn Android 10 ngay từ khi xuất xưởng. Tuy nhiên, thay vì One UI 2.0, giao diện của Galaxy M31 lại là One UI Core 2.0, trong khi Galaxy M20 và Galaxy M30 cập nhật Android 10 lại được ưu ái dùng One UI 2.0.
Hệ quả, Galaxy M31 sẽ không có những tính năng như trình quay màn hình "chính chủ", không có bảo mật Knox và các ứng dụng Knox như Samsung Pay, Secure Folder, Samsung Pass. Bixby cũng "mất tích", ngoại trừ Bixby Vision trong ứng dụng camera.
Còn lại, One UI Core 2.0 không có khác biệt gì với phiên bản đầy đủ. Chúng ta vẫn có cử chỉ toàn màn hình, chế độ nền tối toàn hệ thống, và tất nhiên là cả các bloatware như Facebook, Lazada,...
Tổng kết
Galaxy M31 giống như một bản nâng cấp mạnh về camera của Galaxy M30s thay vì là một sản phẩm nâng cấp toàn diện. Tuy nhiên, cái gì không hỏng thì đừng sửa, điểm mạnh thời lượng pin vẫn được Galaxy M31 kế thừa, thậm chí cải thiện. Camera của máy có hiệu năng ngang ngửa với những sản phẩm đắt tiền hơn, đó là một điều tuyệt vời. Hiệu năng của máy có thể tốt hơn, nhưng điều đó cũng sẽ đánh thẳng vào ví tiền của bạn.
Dù vậy, Galaxy M31 vẫn có vài điểm trừ nhỏ. Phần mềm bị rút gọn và thiết kế không được cập nhật trào lưu màn hình đục lỗ của các smartphone của năm 2020. Tuy nhiên với những gì hiện có trên Galaxy M31, Samsung đang cầm trong tay một con bài rất mạnh mẽ để chinh phục phân khúc tầm trung.
Theo : https://vnreview.vn/