Gần 200m3 gỗ quý, hiếm của những cánh rừng hàng trăm năm tuổi bị lâm tặc chặt hạ, song điều đáng nói đến nay những người làm công tác bảo vệ rừng nơi đây vẫn “bình chân như vại”. Dù để vào được các cánh rừng già, phải đi qua những con đường có các các Trạm Bảo vệ rừng, Đồn Biên phòng, Kiểm lâm… quản lý.
Trời vừa hửng sáng, theo chân một số bà con dân bản ở xã Trường Sơn, và cơ quan chức năng ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, chúng tôi cắt rừng tìm vào nơi hiện trường những cánh rừng già bị chặt phá. Sau hơn 3 tiếng cắt rừng, chúng tôi đặt chân tới các cánh rừng Phạ Thả, Xà Ngọt, Xà Biên thuộc lâm phần của các đội 7,8,9,10,11 do Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn quản lý (LT Trường Sơn).
Ở khu vực rừng già này hội tụ đủ nhiều loại gỗ quý, hiếm, có những cây gỗ đường kính từ 0,5 đến 1m, cao trên chục mét. Theo con đường nhỏ phủ đầy lá khô, chúng tôi bắt gặp một gốc cây lớn bị cắt bằng cưa xăng. Phần gốc còn lại chỉ cách mặt đất chừng hơn gang tay.
Vết cắt mới, nhựa cây ứa ra đỏ ối. Hò Tâng, một người dân bản dẫn đường nhìn gốc cây rồi bảo: “Đây chắc chắn là cây lim rồi”. Một cây gỗ già bị đốn hạ, gỗ đã bị xẻ mang đi, để lại hàng chục cây khác nhỏ hơn bị đè gãy đổ sập, làm cả mảng rừng không còn tán che, lộ sáng. Cắt chéo sườn núi, băng qua con khe nhỏ, chúng tôi tiếp cận một khoảng rừng khác.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình kiểm tra hiện trường phá rừng ở rừng Trường Sơn. |
Như theo một quy luật, cứ phát hiện thấy đường nhỏ, lá khô xếp ép sát do người đi lại nhiều lần là ở đó có cây gỗ lớn bị đốn hạ. Có những cây gỗ được xẻ ra thành hộp có mặt gỗ khoảng 0,4m còn nằm dưới tán cây rừng. Hồ Tâng bảo chỉ vài hôm nữa là người ta vào gùi đi hết.
Tại 5 tiểu khu 300, 303, 317, 318 và 329 trong lâm phần do LT Trường Sơn quản lý, những người đi trong đoàn đều sửng sốt trước những cánh rừng “tứ thiết” đinh, lim, sến, táu bạt ngàn hàng trăm năm tuổi bị triệt hạ không thương tiếc. Tiến hành kiểm đếm, cơ quan chức năng xác định: Có 42 cây gỗ bị chặt hạ, gồm 16 cây lim, 22 cây gõ và các loại gỗ khác. Khối lượng gỗ khai thác trái phép lên đến 64,7m3…
Nhìn những cánh rừng bị chặt hạ như chốn không người, cho thấy rừng liên tục bị “chảy máu” và có sự bàng quan, lơi lỏng của những người có trách nhiệm bảo vệ rừng. Thậm chí có sự bao che của những cá nhân có chức trách nào đó. Mới đây, Báo CAND đã vào cuộc và có nhiều bài phản ánh về việc phá rừng Trường Sơn ở tiểu khu 329, thuộc lâm phận do LT Trường Sơn quản lý. Nơi đó có hàng chục gốc cây lim, gõ, chua... lớn có đường kính từ 60 - 120cm bị lâm tặc đốn hạ, hiện trường để lại nhiều phách gỗ, nhành cây,bìa gỗ nằm ngổn ngang.
Sau khi Báo CAND phản ánh, Đoàn liên ngành của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc xác định được có 45 cây gỗ Gõ N1, Lim N2 và Chua N3 bị chặt hạ, khai thác trái phép. Qua kiểm tra, một số thân gỗ đã bị lâm tặc cưa xẻ và lấy ra khỏi rừng, số gỗ còn lại là phần ngọn, và một số hộp, thanh gỗ với số lượng 88 khúc, hộp có khối lượng 19,8m³. Chỉ phần thân, ngọn của cây rừng mà lâm tặc để lại chưa kịp tẩu tán, lấy đi đã lên đến gần 20m3, như vậy theo tính toán ban đầu của cơ quan chức năng nơi đây, hàng trăm m3 gỗ rừng đã bị lâm tặc lấy đi trước đó.
Điều đáng nói, sau khi Báo CAND đăng tải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình ông Hoàng Đăng Quang chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, và Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố gần 20 đối tượng, chủ yếu là những lâm tặc trực tiếp vào chặt phá rừng, còn những người có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng nơi rừng bị phá vẫn không bị xử lý gì.
Nhiều lần thâm nhập rừng già Trường Sơn để tìm hiểu nguyên nhân, mánh khóe phá rừng của lâm tặc nơi đây, chúng tôi nhận thấy: Để triệt phá những cánh rừng gỗ quý ở Trường Sơn, Quảng Bình, dường như những kẻ phá rừng đã có một sự tính toán 3-5 năm trời trước đó. Đầu tiên giáp ranh xung quanh rừng tự nhiên người ta cho phát triển xen kẽ rừng kinh tế, bằng cách trồng keo tràm ngắn ngày khai thác.
Và khi khai thác keo thì đồng thời, lâm tặc khai thác luôn gỗ quý của cánh rừng già Trường Sơn. Chính vì vậy, có những lúc tiếng cưa máy, cưa xăng rền vang cả khu vực rừng rộng lớn, nhưng cơ quan chức năng ở địa phương đều cho rằng đó là tiếng máy cưa khai thác keo tràm. Nhưng sau đó thì những khoảng rừng già bị cạo trắng, những cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ mang đi. Và khi phát hiện, chỉ biết rút kinh nghiệm, còn những cánh rừng thì vĩnh viễn biến mất.
Để che mắt cơ quan chức năng, sau khi khai thác các cây gỗ lớn, lâm tặc thường chất lá khô vào chỗ gốc cây để đốt, rồi lấy đất rải lên để xóa dấu vết, xem như cây gỗ đã bị khai thác từ nhiều năm trước, chứ không phải dấu vết mới. Trước đây, lâm tặc thường huy động số đông, dựng lán trại, khai thác ồ ạt rồi chất đầy gỗ sau đó mới tính toán việc mang gỗ ra khỏi rừng. Nhưng giờ đây, các đối tượng này đã đổi cách thức phá rừng để tránh cơ quan chức năng và luật pháp.
Lâm tặc giờ thường chia thành từng tốp nhỏ 3-5 người, khai thác cây gỗ nào thì mang ra khỏi rừng cây đó, đồng thời xóa dấu vết. Khi bị phát hiện bắt giữ thì chúng tìm cách chối tội như khai báo lần đầu tiên vào rừng, lần đầu tiên chặt một cây… mặc dù phá rừng kiểu “cuốn chiếu”, “tằm ăn dâu” của lâm tặc đã sớm xóa xong nhiều cánh rừng gỗ quý.
Cand.com.vn