Trước mặt chị là túi đồ đạc đã gói gém cẩn thận từ tối. Một mình trong phòng nghỉ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, đôi mắt chị nhòe đi.
"Ngày 23/3, tròn một tuần sau khi bố mất cũng là lúc tôi nhận được lệnh cách ly, không ai được ra vào bệnh viện. Lúc đấy, đầu tôi trống rỗng, không nghĩ được gì", nữ điều dưỡng tâm sự.
Dưới sân bệnh viện Bạch Mai tấp nập y bác sĩ đứng chung vui, Ngọc chọn góc riêng cho mình. Chị kể, việc Bạch Mai bị phong toả là điều chưa từng có trong lịch sử. Những dãy hành lang, ghế đá không còn bóng người nằm, ngồi như mọi khi. "Vắng vẻ lắm!", chị kể lại. Trong các khu điều trị, chỉ thấp thoáng một vài cán bộ y tế. Bệnh viện cũng dừng tiếp nhận bệnh nhân, dừng các hoạt động cấp cứu nên cũng không còn cảnh chen chúc đến khám hay quá tải người bệnh.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc công tác tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2013. Cô cùng 40 nhân viên y tế vừa cách ly vừa điều trị cho 32 bệnh nhân nội trú. Đến nay, đã gần 20 ngày.
Công việc của Ngọc trong lúc cách ly không có nhiều thay đổi. Hàng ngày, cô cùng y bác sĩ chăm sóc, theo dõi, tiêm truyền cho bệnh nhân đang điều trị. Cô thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân phải đeo khẩu trang kể cả khi nằm trên giường bệnh, cố gắng giữ khoảng cách, không nói chuyện.
Theo Ngọc, bệnh nhân ung thư thường có đặc điểm riêng về bệnh học và tâm lý. Họ hay lo lắng, không lạc quan như các bệnh nhân lành tính khác, nhất là trong thời gian cách ly và không có người thân ở bên cạnh. Do đó, điều dưỡng vừa điều trị vừa chăm sóc toàn diện, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân đến quan tâm và động viên bệnh nhân mỗi ngày.
"Chưa bao giờ chúng tôi ở gần người bệnh trong không gian chung như thế. Tôi có thể nhớ tên từng người bệnh, việc không thể làm khi quá tải, cũng hiểu thêm tâm tư, thói quen, sở thích của từng người. Mọi khoảng cách dường như không còn", Ngọc trải lòng.
Hiện, điều khiến Ngọc buồn nhất là bố đã mất vì ung thư. Thời gian bố nằm viện, cô trực tiếp điều trị nên càng ở lâu trong khu cách ly, càng nhiều lần đi qua phòng bệnh cũ khiến chân cô không bước nổi. Thỉnh thoảng, gia đình gọi điện hỏi thăm. Nhìn di ảnh của bố qua điện thoại, cô lại bật khóc.
"Ngày mai khi trở về, việc đầu tiên tôi làm là thắp hương cho bố. Sau đó, tôi sẽ dành trọn thời gian ở bên hai con cho thoả nỗi nhớ mong này", Ngọc nói, hai mắt ngấn nước.
Phải cách ly dài ngày hơn Ngọc, bác sĩ Nguyễn Đức Nhương, 35 tuổi, khoa C4, Viện Tim mạch, ở luôn trong viện từ 19/3 do trực tiếp điều trị cho "bệnh nhân 86". "Tôi không lo sợ, điều tôi áy náy là nếu lỡ tôi lây bệnh thì các con nhỏ, vợ và những đồng nghiệp thì sẽ thế nào", anh nói.
Cho đến ngày 8/4, kết quả xét nghiệm lần ba âm tính, anh mới dám thở phào.
Khoa C4 hiện còn điều trị cho14 bệnh nhân, cách ly 16 người nhà và 34 nhân viên y tế. Khoa là nơi có một điều dưỡng của Bạch Mai điều trị trước khi phát hiện nhiễm bệnh. Ngay trong đêm, toàn bộ 84 người, bao gồm 34 nhân viên y tế, 24 bệnh nhân, 26 người chăm sóc bệnh nhân được cách ly. Trong đó, có hai điều dưỡng đang mang thai.
"Ngày vào viện cách ly, mọi thứ đều được tôi tối giản. Đêm hôm nay, tôi chỉ gói gém lại trọn vẹn nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và đi về. Các y bác sĩ cũng yên tâm hoàn thành chức trách của mình mà không có bất cứ rào cản nào nữa", bác sĩ Nhương tâm sự.
Sáng mai, khoa vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Bác sĩ sẽ hoàn tất mọi thủ tục cho toàn bộ bệnh nhân xuất viện. Dự kiến vào buổi chiều, nhân viên y tế sẽ được trở về nhà.
"Tôi sẽ không quên ba tuần cách ly này, khi các y bác sĩ có thời gian ở cạnh nhau nhiều hơn. Có người tranh thủ đọc sách, viết báo, xem tài liệu, làm luận án... Đây là những việc mà chúng tôi không thể làm ngày thường vì sức ép bệnh nhân quá lớn tại bệnh viện tuyến cuối", bác sĩ chia sẻ.
"Hết cách ly rồi, nhìn bộ đồ bảo hộ khéo lại thấy nhớ", anh nói vui. "Chính nó bảo vệ chúng tôi suốt những ngày vừa qua".
Khoa Cấp Cứu vẫn tiếp nhận bệnh nhân nặng trong thời gian cách ly, trong đó có một ca bệnh nguy kịch. Bác sĩ phải ép tim 2 tiếng để hồi sinh cho sản phụ bị tai biến. Đây cũng là ca bệnh nặng nhất từ lúc bắt đầu cách ly cho đến nay.
Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, 45 tuổi, trực tiếp tham gia cấp cứu cho ca bệnh, cho biết cách ly không làm ảnh hưởng đến việc điều trị của bệnh viện. Nhận bệnh nhân nặng, với tâm niệm "còn nước còn tát", các bác sĩ làm mọi biện pháp hồi sức tích cực, cứu người bệnh gần cửa tử.
Bác sĩ Vinh cùng cách ly với bệnh viện từ ngày 28/3. Anh cho biết "viện là nhà, ngày nào cũng thế thôi, dù cách ly hay không thì công việc vẫn tiếp diễn, trọng trách cứu chữa người bệnh vẫn phải đảm bảo". Vào đêm dỡ bỏ lệnh cách ly, anh đảm nhiệm vị trí trưởng kíp trực cấp cứu. Dù bước khỏi phòng chăm sóc bệnh nhân nặng, bác sĩ Vinh không ngừng theo dõi họ qua cửa kính.
Anh chia sẻ: "Điều vui nhất không chỉ đơn giản là hết cách ly để trở về nhà, một phần nhỏ thôi. Tôi mừng vì bệnh viện được hoạt động trở lại bình thường. Các bác sĩ sẽ thay phiên, hỗ trợ nhau, còn bệnh nhân có thể chuyển từ tuyến cuối lên điều trị, không chậm trễ".
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện bệnh viện đã "sạch bóng" nCoV. Các nhân viên y tế có ít nhất 3 lần xét nghiệm âm tính. Bác sĩ Hùng phải xét nghiệm tới 5 lần vì hay xông pha điều tra dịch tễ khi phát hiện các ca mới. Ông nhấn mạnh việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai là điều kiện để cho các bệnh nhân tiếp cận được trở lại với y tế chuyên sâu của Bệnh viện.
Trong tiếng reo hò không ngớt, các y bác sĩ cùng nhau ra trước cổng bệnh viện chờ đón giờ phút gỡ phong toả. Ngọc cũng xuống sảnh cùng mọi người.
Bất chợt, tiếng hô "Bạch Mai chiến thắng" vang lên. Những nụ cười xen nước mắt từ nhân viên y tế, bảo vệ và cả bệnh nhân, người nhà đang cách ly chung, trong một khoảnh khắc giữa cuộc chiến chống Covid-19.
Nguồn: vnexpress.vn