Virus gây dịch COVID-19 sống cả giờ ở 60 độ C

Một kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể sống và nhân bản bình thường cả tiếng đồng hồ ở nhiệt độ 60 độ C.

Các nhà khoa học tại Đại học Aix-Marseille miền Nam nước Pháp đã phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 vẫn có thể tồn tại, thậm chí nhân bản bình thường trong cả giờ đồng hồ dù được làm nóng ở nhiệt độ 60 độ C, trang Thailand Medical News đưa tin.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm trên thế bào của khỉ mông xanh châu Phi, một vật chủ tiêu chuẩn cho các xét nghiệm hoạt động của virus. Tế bào nguồn bệnh được lấy từ một bệnh nhân ở Berlin, Đức. 

Virus gây dịch COVID-19 sống cả giờ ở 60 độ C - ảnh 1
Virus SARS-CoV-2 (màu vàng) được phân lập dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: LIVE SICIENCE

Các tế bào này được nạp vào hai môi trường khác nhau, một là môi trường sạch và thứ hai là môi trường có tạp chất như protein động vật để có mô phỏng gần với ô nhiễm sinh học trong các mẫu thực tế.

Kết quả thí nghiệm cho thấy khi được làm nóng ở nhiệt độ 60 độ C, các tế bào virus trong môi trường sạch bị vô hiệu hóa hoàn toàn, trong khi đó, ở môi trường ô nhiễm thì một số lượng virus vẫn tồn tại. Ở nhiệt độ cao các virus sống này vẫn đủ khả năng tiếp tục hoạt động, gây lây nhiễm, dù mức độ lay nhiễm cho vật chủ có giảm.

Thông thường, môi trường có nền nhiệt độ 60 độ C kéo dài hàng giờ đồng hồ đã được nhiều phòng thí nghiệm chứng minh là có thể ngăn chặn được nhiều loại virus gây chết người, bao gồm cả virus sốt xuất huyết Ebola. Thế nhưng, đối với virus SARS-CoV-2 nhiệt độ này chỉ đủ để tiêu diệt một lượng virus vừa phải nhưng lại không đủ để xử lý các mẫu hàm chứa lượng virus cao đến rất cao.

Theo Giáo sư Remi Charrel - trưởng nhóm nghiên cứu, chủng virus này chỉ có thể bị phá huỷ khi môi trường quanh nó đạt đến nhiệt độ gần điểm sôi.

Khi tăng thêm nhiệt độ lên đến gần điểm sôi, cụ thể là 92 độ C trong vòng 15 phút, Giáo sư Remi Charrel và các đồng nghiệp ghi nhận virus đã bị tiêu diệt hết. Đáng nói là khi nhiệt độ cao như vậy có thể làm phân tách nghiêm trọng RNA (axit ribonucleic)  của virus và làm giảm độ nhạy của các xét nghiệm. Do đó, các nhà khoa học đề nghị nên dùng hoá chất thay vì nhiệt độ để diệt virus.

Các nhà nghiên cứu Pháp nhận xét khả năng truyền bệnh của virus SARS-CoV-2 không có dấu hiệu suy yếu trong điều kiện ấm và ẩm ướt. Cũng cần nhớ là môi trường trong cuộc sống thực tế phức tạp hơn nhiều so với môi trường trong phòng thí nghiệm. 

Hồi đầu tháng tư, một bài báo của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên tạp chí JAMA Network Open cho thấy có trường hợp một ổ dịch đã phát sinh ngay tại một phòng tắm hơi ở Giang Tô. 

Một người nhiễm virus đến đây tắm hơi và sau đó 8 người khác đã bị lây nhiễm COVID-19 mặc dù nhiệt độ phòng tắm luôn hơn 40 độ C và độ ẩm trung bình là 60%. 

Đây là một phát hiện gây bất ngờ lớn và khiến cho không ít người hoang mang. Trước đây, người ta tin rằng nhiệt độ nóng sẽ làm giảm, thậm chí triệt tiêu virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, giới khoa học đặt hy vọng rằng khi thời tiết ấm lên đại dịch này có thể được khống chế. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên cho thấy còn nhiều điều cần bàn về sức sống thực tế của chủng virus này. 


Nguồn: 24h.com.vn

 

Eaz Cafe khác

Positive SSL