Trong khi Xiaomi xuất xưởng được 6 triệu smartphone trên toàn cầu vào tháng Hai vừa qua, Huawei lại chịu xếp sau với lượng xuất xưởng chỉ 5,5 triệu smartphone. Lượng xuất xưởng trong tháng Hai của cả Xiaomi và Huawei đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với các mức 30% và 70%.
Lượng xuất xưởng sụt giảm nhỏ hơn của Xiaomi cho thấy sức mạnh của thương hiệu này ngoài Trung Quốc, quốc gia vốn gần như bị phong tỏa trong gần hết tháng vừa qua và tác động của nó lên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, sự hiện diện của Xiaomi trên các thị trường quốc tế, như tại Ấn Độ, dường như đã trở thành một nhân tố quan trọng cho lượng sụt giảm nhỏ về lượng smartphone xuất xưởng. Hiện Xiaomi đang là hãng có thị phần smartphone lớn nhất tại Ấn Độ trong 9 quý liên tiếp, trong khi Huawei còn không nằm trong top 5 thương hiệu smartphone bán chạy nhất tại quốc gia này.
Theo báo cáo thu nhập của Xiaomi trong quý 3 năm 2019 (kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2019), doanh thu của Xiaomi bên ngoài Trung Quốc, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Indonesia và Tây Âu, chiếm đến 48% tổng doanh thu của họ.
Trong khi đó, nỗ lực duy trì vị thế của Huawei trên thị trường toàn cầu đã gặp phải một hòn đá tảng là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nguyên nhân của việc công ty mất khả năng truy cập đến các ứng dụng dịch vụ cốt lõi của Google, như Gmail, Maps hay Search.
Điều này mang lại một vấn đề lớn cho công ty tại các thị trường quốc tế như Tây Âu, nơi Google hiện diện trong phần lớn việc sử dụng hàng ngày của người dùng – 97% người dùng châu Âu sử dụng máy tìm kiếm của Google, và 62% sử dụng trình duyệt Chrome cũng của công ty này.
Các thương hiệu smartphone lớn khác, như Samsung và Apple, cũng đối mặt với sự suy giảm tương tự về lượng xuất xưởng khi các quốc gia khác đưa ra các hành động tương tự để ngăn chặn dịch bệnh do virus corona gây ra. Tại Trung Quốc và Tây Âu, sự lây lan của virus đã buộc các nhà bán lẻ phải đóng cửa cửa hàng khi chính quyền yêu cầu người dân ở trong nhà.
Khi đại dịch này lan đến Bắc Mỹ, các nhà cung cấp smartphone trong khu vực đã có những cách đối phó riêng của mình. Ví dụ đối với Apple và Samsung, hai thương hiệu này chiếm đến 84% thị trường smartphone Mỹ. Để tránh sụt giảm đột ngột về lượng smartphone xuất xưởng, các nhà cung cấp đã tăng cường kênh mua hàng trực tuyến để bù đắp lại việc đóng cửa các cửa hàng vật lý. Apple thậm chí còn gỡ bỏ các giới hạn về lượng iPhone khách hàng có thể mua trực tuyến.
Thêm vào đó, các nhà cung cấp smartphone còn phải đảm bảo các phương pháp giao hàng ổn định khi các nhà bán lẻ như Amazon bắt đầu ưu tiên vận chuyển các sản phẩm cần thiết trước, ví dụ như đồ tạp hóa hay dược phẩm. Các mặt hàng không cần thiết khác có thể phải mất đến một tháng mới giao được đến tay khách hàng khi mua qua Amazon Prime. Điều này buộc các nhà cung cấp smartphone phải ký kết các thỏa thuận tạm thời với những hãng vận tải để đảm bảo rằng thiết bị của mình đến tay người dùng với sự gián đoạn nhỏ nhất.
Nguồn: Genk