Trường ngưng dùng Zoom dạy trực tuyến vì người lạ

Một số trường đã tạm ngưng sử dụng phần mềm Zoom khi dạy học trực tuyến vì lỗ hổng bảo mật.

Trong thời gian nghỉ học tránh dịch, phương pháp dạy học trực tuyến được nhiều trường sử dụng để cung cấp kiến thức cho học sinh (HS). Với ưu thế miễn phí, dễ dùng, Zoom là phần mềm được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, tính năng bảo mật của Zoom chưa ổn nên nhiều trường tìm kiếm một phần mềm dạy trực tuyến khác.

Người lạ dễ dàng vào lớp học

Vừa bắt đầu tiết dạy online trên phần mềm Zoom, nữ giáo viên (GV) hoảng hốt khi phát hiện clip khiêu dâm phát tán từ một tài khoản trong lớp học.

Đây là tình huống dở khóc dở cười mà cô Lam Giang, GV toán tại một trường THCS, đã gặp phải trong quá trình dạy học online. Hôm đó, cô Lam Giang đã set up phòng chờ, yêu cầu HS để họ tên đầy đủ thì mới duyệt vào phòng. Sau đó cô đã khóa micro của HS trong phòng học, khóa tính năng chia sẻ màn hình nhưng vẫn có năm người lạ vào phòng. Do họ đổi tên giống HS trong lớp nên khi duyệt, cô đã cho vào.

Vừa vào, những tài khoản trên đã mở clip sex. Do không chia sẻ được màn hình nên những tài khoản này bật camera lên và quay vào một màn hình khác để phát clip. “Đây là tình huống ngoài sức tưởng tượng. Tôi phải tìm mọi cách mới có thể xóa được những tài khoản này ra khỏi nhóm. Do lo sợ ảnh hưởng đến lớp học nên buổi học cũng phải tạm dừng” - nữ GV này kể lại.

Sau này khi tìm hiểu, cô được biết do một bạn HS trong lớp đã lên một nhóm trên Facebook, gửi ID và mật khẩu cho nhóm này để vào phá lớp.

Tình trạng người lạ xâm nhập vào lớp học trên Zoom không phải là hiếm. Nhiều GV khác phản ánh có HS lạ vào phòng hò hét, nhảy nhót, nói tục, gây ồn ào, ảnh hưởng đến lớp học.

Trước tình hình đó, một số trường học đã tạm ngưng sử dụng Zoom và chuyển sang dùng phần mềm khác.

Trường ngưng dùng Zoom dạy trực tuyến vì người lạ - ảnh 1
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TP.HCM) học bài tại nhà trong thời gian nghỉ học tránh dịch COVID-19. Ảnh: NTCCCó con đang học tại một trường tiểu học ở quận 2 (TP.HCM), chị Hương Nguyễn cho biết vừa nhận được thông báo của cô giáo về việc dừng dạy trên Zoom do có cảnh báo toàn cầu về lỗ hổng bảo mật.

“Tụi nhỏ vừa học trên Zoom được gần hai tuần. Nay vì vấn đề an toàn, bảo mật, trường ngưng sử dụng. Tụi nhỏ sẽ lại học theo clip trên các nền tảng khác.” - chị Hương nói.

Tương tự, thầy Thiều Quang Thịnh (GV Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng cho biết trước thầy cũng dùng Zoom dạy vì thấy nhanh, tiện, cũng như tạo thuận lợi cho các em HS kết nối mà không cần đăng nhập. Thế nhưng mấy hôm nay Zoom đang có vấn đề, HS lạ dễ dàng vào phần mềm để quấy phá lớp học.

“Do đó tôi đã chuyển sang dùng phần mềm khác để dạy các em, dù nền tảng này tôi mới bắt đầu dùng. Bởi dạy online cũng phải có quy định và chuẩn mực giao tiếp như trên lớp” - thầy Thịnh nói.

Bộ GD&ĐT lưu ý: Dù dạy học trực tuyến nhưng các trường cũng cần tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet. 

 

Yêu cầu đảm bảo an ninh mạng khi dạy trực tuyến

Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các sở GD&ĐT, các trường đại học, học viện… về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, HS, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet.

Thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo đã tích cực triển khai việc dạy học qua Internet, trên truyền hình. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục..., gây tâm lý hoang mang cho người học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.

Do đó, để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm một số nội dung sau:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy và học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo; HS, sinh viên; cha mẹ HS, sinh viên trong quá trình học.

Giới thiệu, phổ biến cho GV những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch COVID-19.

Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học đối với GV, trách nhiệm của người học.

Cẩn trọng khi sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến

Sở GD&ĐT TP.HCM khuyến cáo các trường nên cẩn trọng khi sử dụng các phần mềm của nước ngoài, phiên bản miễn phí, dễ dàng đăng nhập sẽ rất dễ sơ hở trong việc bảo vệ mật khẩu đăng nhập.

Nếu GV không rành công nghệ, khi sử dụng những phần mềm trên sẽ rất nguy hiểm. Do đó, việc sử dụng những phần mềm này không an toàn khi dạy học.

Sở GD&ĐT cũng giới thiệu đến các trường các hệ thống phần mềm, giải pháp hỗ trợ HS học tập tại nhà, hệ thống hỗ trợ GV xây dựng các chủ đề dạy học trực tuyến: Hệ thống lophoc.hcm.edu.vn; hệ thống 789.vn của Công ty cổ phần Giáo dục ISMART; hệ thống Toliba.vn của Công ty cổ phần Truyền thông và giáo dục Toliha Elearning; giải pháp 0365 online của Microsoft Việt Nam; hệ thống bài giảng Học Như Ý của Công ty cổ phần Mạng trực tuyến Việt Sin; hệ thống hocbaionha.com của Công ty TNHH Công nghệ và giáo dục Đông Phương; hệ thống phần mềm VNPT và Viettel Study; hệ thống Smartschool. 

 

NGUYỄN QUYÊN
Nguồn: plo.vn
Eaz Cafe khác

Positive SSL