Tuy nhiên, khi lần đầu được trên tay sản phẩm này, tôi lại có những cảm nhận khá tích cực về nó.
Phiên bản chúng tôi trên tay có cấu hình cơ bản với vi xử lý Intel Core m3 thế hệ 8, 8 GB RAM, 64 GB SSD cùng màn hình độ phân giải Full HD.
Toàn bộ máy chỉ một màu đen, chất liệu nhám và logo đặt ở góc trái máy khi mở lên. Có thể nói đây là thiết kế rất đơn giản, không có bất kỳ điểm nhấn hay đường nét nào, ngoại trừ việc 4 phần viền máy đều được bo cong, vuốt ngón tay vào rất thích.
Khác với mặt trên chẳng có gì để... sờ, thì mặt dưới đáy máy lại là những đường gợn sóng và khi cầm trên tay cảm giác rất bám tay. Tất nhiên chẳng ai cầm máy trên tay cả ngày để làm việc cả, nhưng những lúc xoay màn hình chuyền máy cho đối tác xem nội dung, lúc cầm vào mặt đáy máy cảm giác rất dễ chịu và khác hẳn với các laptop trước đây.
Một điểm cộng là máy rất nhẹ, chỉ khoảng 0,9 kg. So với chiếc MacBook Pro 13 mà tôi đang sử dụng thì rõ ràng cầm chiếc laptop của Google lên cảm giác nhẹ tênh rất thích.
Khác với máy dùng cho Windows hay Mac, bộ bàn phím của Pixelbook cũng có vài phím riêng biệt, chẳng hạn như phím gọi Google Assistant thay cho Windows hay CMD, dàn phím F1-F12 cũng được đổi thành các phím lệnh như Back, Refresh, Maximize Windows, Recent Apps...
Một điểm đáng khen nữa ở laptop này là bàn phím gõ rất êm, tiếng động tạo ra rất nhỏ và hành trình phím vừa đủ để tạo nên độ phản hồi nhất định. Tôi có ngồi gõ một lúc để trải nghiệm và cảm giác nó rất sướng, sướng hơn hẳn kiểu bàn phím cánh bướm "trời ơi đất hỡi" của Macbook Pro 13 2019 mà tôi đang dùng.
Màn hình cảm ứng 13,3 inch Full HD, tỉ lệ 16:9, viền hai bên gọt mỏng, kết hợp với toàn bộ thân máy màu đen nên tạo độ đồng nhất, liền mạch.
Độ sáng màn hình ở mức khá tốt, tuy nhiên lớp màn bóng nên rất dễ bị chói nếu có ánh sáng mạnh hoặc bóng đèn chiếu vào. Riêng về phần màu sắc, tôi đánh giá khả năng hiển thị của Pixelbook Go là rất tốt, sặc sỡ nên xem video khá là thích.
Người dùng có thể kéo thanh notification bar ở góc phải phía dưới, đây là nơi để tùy chỉnh các kết nối, độ sáng và cả xem thông báo tin nhắn...
Và tất nhiên cũng có thể chơi các tựa game trên chiếc laptop này. Ngoài ra, chất lượng loa khá ấn tượng, âm lượng cũng rất lớn so với thân máy nhỏ gọn.
Điểm trừ của sản phẩm này là số lượng cổng kết nối khá ít, bên trái 1 cổng Type-C và 1 cổng tai nghe 3,5mm
Nhìn chung, Pixelbook Go là chiếc máy không phải dành cho tất cả, khi hệ điều hành Chrome OS vẫn chưa phổ biến tại nước ta. Bên cạnh đó, mức giá 16,8 triệu đồng khi về Việt Nam cũng sẽ trở thành rào cản lớn cho đối tượng người dùng sinh viên hoặc nhân viên văn phòng, bởi họ có thể chọn được các dòng laptop chạy Windows giá cả ổn định hơn.
Bù lại, chiếc laptop đến từ Google có những đặc điểm độc lạ tạo điểm nhận diện riêng, cũng nhờ đó thoát khỏi sự giống nhau 1 cách nhàm chán ở thế giới laptop Win giá rẻ, bàn phím gõ êm và sướng tay hơn, tính di động cao nhờ mỏng nhẹ, pin 12 tiếng và đặc biệt là có thể cài được ứng dụng Android nên vọc vạch một số thứ cũng khá ổn.