Thời kỳ game PC nào cũng nặng 100GB trở lên cuối cùng đã đến

 

Thời kỳ game PC nào cũng nặng 100GB trở lên cuối cùng đã đến

Một trong những game PC gần đây nhất ra mắt là Star Wars Jedi: Survivor. Nếu không sở hữu đường truyền internet thực sự nhanh, tốc độ tính theo gigabit, thì 130GB dữ liệu của trò chơi này trên PC sẽ ngốn của hầu hết mọi người vài giờ đồng hồ chỉ để tải về rồi mới được chơi. Và với con số ấy, Star Wars Jedi: Survivor thực tế là game có dung lượng nặng nhất phát hành trong năm nay tính tới thời điểm hiện tại.

Nó cũng là thứ khiến chúng ta nhận ra cái xu hướng mấy năm gần đây càng lúc càng diễn ra nhiều, đó là những phiên bản PC của những game bom tấn, dung lượng bắt đầu chạm mốc 3 chữ số tính theo gigabyte. Đẹp và hay thì không bàn, nhưng dung lượng game PC đang dần tạo ra rắc rối cho những người sở hữu đường truyền internet chậm và những hệ thống máy tính có dung lượng lưu trữ thấp.

Thống kê Steam Hardware Survey gần đây nhất cho thấy, chưa đầy một nửa số người chịu chia sẻ thông tin phần cứng máy tính của họ với Valve sở hữu tổng dung lượng lưu trữ 1TB trở lên, chính xác là 49.32%. Kế đến là 23.18% tổng số máy tính cài Steam sở hữu từ 250 đến 499 GB bộ nhớ lưu trữ, rồi 14.62% trang bị từ 750 đến 999GB ổ cứng.

Tinhte_Game.png

Những người sở hữu máy tính trang bị SSD dung lượng thấp chắc chắn sẽ phải tính toán việc lưu trữ trước khi tải về chơi những game PC ra mắt gần đây. Bên cạnh Jedi: Survivor, có thể kể đến vài cái tên khác như Forspoken (120GB), Redfall (100GB), The Last of Us Part I (100GB) và Atomic Heart (90GB). Điều đáng nói trong thống kê kể trên, đó là hầu hết đều chỉ còn trống từ 100 đến 249 GB ổ cứng trong máy tính.



Cách đây ít lâu thì Call of Duty: Modern Warfare hồi năm 2019, với bản cập nhật Warzone miễn phí cùng vài cập nhật bản đồ và nội dung mới đã trở thành chủ đề tranh cãi trên nhiều mạng xã hội, với tổng dung lượng hơn 200GB trên PC. Thậm chí có những người hâm mộ Call of Duty phải đi mua SSD riêng chỉ để cài Modern Warfare chơi hàng ngày. Rồi bên cạnh đó là những cái tên như Borderlands 3: The Director's Cut (135GB), Red Dead Redemption 2 cũng 120GB, Final Fantasy XV bản PC nặng 110GB.

Tinhte_Game2.jpg

Trong tương lai gần thì chúng ta chuẩn bị có Diablo 4, với cấu hình yêu cầu 90GB ổ cứng. Baldur's Gate 3 nghe nói còn nặng tới 150GB.

Theo Steam, trung bình người Mỹ tải game từ nền tảng phân phối game trực tuyến này đạt tốc độ 12MB/s, tức là một game nặng 150GB sẽ mất 3 tiếng 28 phút để tải về. Nhưng đương nhiên không phải ai cũng có tốc độ mạng như vậy ở nhà. Mình thấy không ít anh em chịu mang ổ cứng lên cơ quan tải game cho nhanh, từ trước tới nay vẫn vậy.

Mà cũng không thể chỉ đơn thuần thấy game nặng, anh em lại tậu HDD về cài game cho được nhiều. Giờ càng lúc càng nhiều game PC đòi hỏi người dùng cài game vào SSD, ít thì cũng phải là những chiếc ổ SATA 3, không thì sẽ khuyến cáo cài game vào ổ NVMe với tốc độ truy xuất dữ liệu hàng GB mỗi giây. Game giờ càng lúc càng đẹp, càng lúc càng rộng và càng lúc càng chi tiết. Để làm được những điều đó, hệ thống sẽ phải truy xuất lượng dữ liệu asset đồ họa khổng lồ càng nhanh càng tốt rồi gửi vào VRAM của GPU, phục vụ cho chip xử lý đồ họa làm việc.

Tinhte_Game3.jpg

Và không chỉ càng lúc càng ngốn bộ nhớ lưu trữ trong máy tính của anh em, những game PC bom tấn thời gian gần đây còn ăn rất nhiều VRAM để phục vụ vẽ lại thế giới ảo và hiện ra trên màn hình khi anh em chơi nữa. Đã có những dấu hiệu cho thấy 8GB VRAM không còn là đủ cho những tác phẩm mới nhất, ở những độ phân giải như 1440p trở lên nữa.

Thậm chí gần đây RTX 4070 Ti ra mắt còn có người phàn nàn là… chỉ có 12GB VRAM. Con số này chỉ tầm 4 đến 5 năm trước là dung lượng rất khủng cho một chiếc card đồ họa máy tính. Anh em còn nhớ 5 năm trước RTX 2080 Ti ra mắt, sản phẩm cao cấp nhất cho người tiêu dùng của thế hệ GPU Turing cũng chỉ sở hữu có 11GB VRAM không? Còn bây giờ, AMD Radeon RX 7900 XTX, bán với giá ngang bằng RTX 2080 Ti lúc nó ra mắt năm 2018, sở hữu tới 24GB VRAM. Và AMD thời gian qua luôn luôn nhấn mạnh vào việc sàn phẩm cùng tầm giá của họ luôn có nhiều bộ nhớ hơn của đối thủ Nvidia.



Chỉ có một “thủ phạm” duy nhất, chính vì dữ liệu texture vật thể, để engine game phô diễn những không gian cực kỳ chân thực đã khiến cuộc chạy đua dung lượng game lẫn cuộc chạy đua bộ nhớ card đồ họa trở thành như bây giờ.

Theo Techspot

 

 

Đánh Giá - Tư Vấn Tiêu Dùng khác

Positive SSL