Năm ngoái, giữa đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, công ty Trung Quốc đã bị cấm tiếp cận công nghệ Mỹ, bao gồm cả việc Google chia sẻ công nghệ với Huawei. Kể từ đó, hãng viễn thông Trung Quốc đã phải ra mắt các điện thoại, bao gồm P30 và Mate 30, mà không có dịch vụ Google.
Điều này có nghĩa các điện thoại mới của Huawei sẽ không thể sử dụng công cụ theo dấu tiếp xúc mà Google và Apple vừa tạo ra và được triển khai trên toàn cầu. Dựa trên công nghệ Bluetooth, công cụ phần mềm trên smartphone này sẽ cho người dùng biết nếu họ vừa có tiếp xúc với người nhiễm virus corona trong thời gian gần đây.
Trong khi đó việc điện thoại Huawei không được tiếp cận công cụ này có thể khiến người dùng bị lây nhiễm virus corona từ người khác mà họ không hề hay biết do không được thông báo. Điều này không chỉ mang lại nguy cơ cho người dùng mà còn với cộng đồng, khi họ vô tình phát tán virus cho người khác.
Công nghệ theo dấu tiếp xúc hoạt động như thế nào?
Công nghệ này hoạt động bằng cách khai thác các tín hiệu Bluetooth tầm ngắn để ghi lại việc tiếp xúc khi người dùng smartphone ở gần nhau trong khoảng 10 phút.
Người dương tính với virus corona sẽ được lựa chọn có muốn gửi danh sách mã hóa các điện thoại mà họ đã đến gần trong thời gian qua cho Google và Apple hay không. Khi họ gửi lên danh sách này, người dùng của các điện thoại đó sẽ được thông báo về việc tiếp xúc với người nhiễm virus để họ có thể tự cách ly và thực hiện xét nghiệm.
Vào giữa tháng Năm tới, cả hai công ty dự định sẽ bổ sung tính năng này cho iPhone và các điện thoại Android để chúng có thể trao đối thông tin thông qua các ứng dụng bên thứ ba, đã được các cơ quan sức khỏe cộng đồng chấp thuận. Trong những tháng tiếp theo, họ sẽ tích hợp thẳng tính năng này vào hệ điều hành để tiếp cận được với mọi người.
Công cụ theo dấu tiếp xúc này sẽ cần có các bản cập nhật phần mềm được đưa tới các smartphone Huawei thông qua Google Play Services, hay vì bản cập nhật hệ điều hành truyền thống. Do các điện thoại Huawei không được truy cập Google Play Services, nên chúng sẽ không thể nhận được các bản cập nhật này.
Trong khi smartphone Huawei không mấy hiện diện tại Mỹ, hãng này đang có 10% thị phần smartphone Anh và khoảng 18% thị phần châu Âu, cho dù đa số chúng là các thiết bị được bán trước khi bị Google cắt đứt quan hệ.
Không chỉ vậy, điều này có thể còn bao gồm khoảng 750 triệu smartphone Android khác ở Trung Quốc cũng không được sử dụng tính năng này do các dịch vụ của Google đã bị chính phủ Trung Quốc cấm cửa.
Đối với các điện thoại này, Google dự định phát hành một framework để các công ty Trung Quốc có thể sử dụng nó nhằm tạo ra một hệ thống theo dấu ẩn danh và bảo mật, giống như của Apple và Google. Tuy nhiên, việc sử dụng nó hay không lại phụ thuộc vào quyết định của các thương hiệu Trung Quốc, bao gồm Huawei, Xiaomi và các công ty khác.
Ngoài ra, Google cho biết khoảng 80% điện thoại Android bên ngoài Trung Quốc sẽ có thể sử dụng công cụ theo dấu tiếp xúc này, dựa trên mức độ sử dụng hiện nay.