TIN GIẢ = VIRUS DƯỚI BÀN PHÍM = DỊCH BỆNH THÔNG TIN…

 Thế giới đang đối mặt một cách căng thẳng với dịch bệnh COVID-19. Song thế giới cũng đang đứng trước vấn nạn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là "dịch bệnh thông tin" (infodemic), hay chúng ta thường gọi là tin giả về COVID-19, đang tràn lan trên Internet nói chung và mạng xã hội, các ứng dụng OTT nói riêng trong thời gian qua.

tin giả

Ảnh: SCMP

"Trêu đùa" 9 chữ phạt 10 triệu

Vụ "nói đùa" 9 chữ trên Facebook bị phạt 10 triệu đã trở thành trường hợp để mang ra răn đe những người dùng Facebook hiện nay tung tin về virus SARS-CoV-2 hay dịch bệnh COVID-19 sai lệch, không chính xác.

Tóm tắt vụ việc: Anh T. cùng ngụ xã Lộc Yên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) với anh H. Hôm 9/3/2020 vừa qua, anh H. tới nhà anh T. chơi, thừa lúc anh T. đi vệ sinh nhưng để điện thoại trên bàn anh H. đã cầm lấy và sử dụng tài khoản Facebook của anh T. để đăng một dòng trạng thái 9 chữ: "Cô rô na đã có mặt ở Lộc Yên". Cho dù ít phút sau anh T. phát hiện và xóa đi nhưng dòng status đó đã không qua mắt được cơ quan chức năng. Hai người bạn cuối cùng bị triệu tập ra cơ quan công an. Anh H. cho biết chỉ muốn trêu đùa anh T. Song rút cuộc, H. vẫn bị cơ quan chức năng xử phạt 10 triệu đồng vì hành vi vi phạm trên.

Anh H. chỉ nói đùa để trêu bạn mình. Song, chúng ta không thể chơi đùa với tin giả. Tin giả đang là vấn nạn không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu, bắt đầu rộ lên trên môi trường Internet đặc biệt là trên mạng xã hội như YouTube, Facebook từ năm 2015…

Chúng ta còn nhớ, trong một lần Mark Zuckerberg gặp gỡ Tổng thống Obama, vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã phàn nàn với vị CEO trẻ về vấn nạn tin giả trên Facebook. Cho tới cuộc bầu cử Thống thống Mỹ năm 2016, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton - cũng chính là nạn nhân của vấn nạn tin giả.

Từ khi dịch COVID-19 xảy ra tại Vũ Hán (Trung Quốc) và sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, tin giả cũng "đu trend" theo với nhiều mục đích khác nhau. Hacker thì "đu trend" theo virus SARS-CoV-2 để lây nhiễm virus, mã độc vào máy tính của người dùng hoặc lừa đảo lấy thông tin cá nhân - đặc biệt là thông tin tài khoản ngân hàng - để đánh cắp tiền.

Nhiều "anh hùng bàn phím" thì muốn nổi tiếng trở thành "người hùng" trên mạng xã hội với việc thông tin nhanh nhẩu và "cảnh báo sớm".

Cũng không ít người, muốn "đưa tin nhanh hơn báo" để câu views.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác thông tin sai lệch vì thiếu kiểm chứng nhưng với mục đích đánh động cho dư luận nhằm nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh. Trong tình huống vi phạm này có 3 nghệ sĩ tại TP.HCM, cuối cùng đã nhận lỗi và phải nộp phạt vì hành vi vi phạm của mình.

Cho tới thời điểm này, cả nước đã có khoảng 40-50 trường hợp cá nhân bị xử phạt vì đưa thông tin sai lệch, không chính xác, tin giả… trên mạng xã hội (hầu hết là trên Facebook) đã bị cơ quan chức năng xử phạt với mức phạt tiền thấp nhất là 7,5 triệu đồng và cao nhất là 15 triệu đồng.

Song hành hai cuộc chiến…

Khi WHO cho rằng tình trạng tin giả về COVID-19 là "dịch bệnh thông tin" thì cũng đồng nghĩa, thế giới đang song hành hai cuộc chiến: Cuộc chiến thứ nhất trên trận tuyến y tế cộng đồng và chăm sóc sức khỏe chống lại virus SARS-CoV-2; Cuộc chiến thứ hai chống lại thứ virus dưới bàn phím, dưới những đầu ngón tay…

Nếu WHO đã gọi COVID-19 là một đại dịch thì mối nguy hại từ "virus dưới bàn phím" hay "dịch bệnh thông tin" cũng đang giống như một đại dịch đang lan tràn theo mạng xã hội rộng ra khắp toàn cầu. Cả hai đều đang bị loài người chống lại và ra sức ngăn chặn nhưng với phương thức khác nhau đưa đến kết quả cũng khác nhau.

Cuộc chiến thứ hai chống "virus dưới bàn phím" cũng cần sự hợp sức từ chính quyền, xã hội cho đến người dân. Tuy nhiên trước hết, bản thân mỗi người dân và mỗi người dùng Facebook cần biết cách nhận diện rõ tin giả. Tin giả được dàn dựng như thật, thậm chí nương theo câu chuyện, vấn đề có thật nhưng sẽ có tỉ lệ phần trăm nhất định là giả với những động cơ khác nhau như vụ lợi, phá hoại, phao tin để gây hoảng loạn xã hội.v.v… Cho nên, để nhận diện được chính xác tin giả, người dùng mạng xã hội cũng cần có kĩ năng, sự kiểm tra, xác minh và đối chiếu chéo…

Về phía chính quyền, để đả phá tin giả không có cách nào khác là cung cấp thông tin về dịch bệnh COVID-19 một cách chính thống nhưng minh bạch và kịp thời để cho người dân được biết, được rõ, từ đó hiểu đúng về thông tin truyền tải và bản chất của vấn đề, vụ việc, tránh bị hoang mang và lan truyền tâm lí hoang mang đó ra cộng đồng rộng lớn hơn.

Sự lan truyền của tâm lí hoang mang luôn ở cấp số nhân và hơn thế nữa cho nên thông tin chính thống đưa ra càng minh bạch và sớm sủa bao nhiêu thì sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả những tác động tiêu cực lan truyền từ tin giả bấy nhiêu.

Tin giả về COVID-19 có thể sẽ qua đi sau khi đại dịch này chấm dứt, song vấn nạn tin giả thì chưa hẳn. Hay có thể nói rằng, tin giả sẽ còn tiếp tục cuộc hành trình gây lo lắng và ám ảnh của nó song hành với tin thật và bám riết vào các vụ việc, vấn đề, sự kiện.v.v… trong xã hội ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu.

Tin giả = Virus dưới bàn phím = Dịch bệnh thông tin…

Vì thế xin đừng chơi đùa với tin giả!

CD Theo VNReview

Eaz Cafe khác

Positive SSL