Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện loài chim Quắm đen (Plegadis falcinellus) và Cò thìa mặt đen (Platalea minor), đều thuộc danh lục đỏ tại vùng đầm phá ven biển miền Trung, Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, đã phát hiện 14 cá thể loài Quắm đen (tên khoa học Plegadis falcinellus), tại khu vực cửa sông Ô Lâu (huyện Phong Điền) và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (huyện Phú Lộc), tỉnh Thừa Thiên Huế.
Loài chim này được các chuyên gia phát hiện trong chuyến nghiên cứu thực địa hồi tháng 4, thuộc khuôn khổ đề tài cấp quốc gia "Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng khu hệ chim và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim ở vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam", do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ, Bảo tàng Duyên hải miền trung, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện.
TS Hồ Thắng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay đây là lần đầu tiên ghi nhận được loài Quắm đen tại miền Trung Việt Nam. Trước đây Quắm đen chỉ được ghi nhận là loài định cư hiếm tại Nam Bộ và lang thang qua Đông Bắc.
Loài Quắm đen ghi nhận tại khu vực cửa sông Ô Lâu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Mạnh Hùng
Quắm đen nằm trong họ Cò quăm (Threskiornithidae), bộ Bồ Nông (Pelecaniformes), một trong những họ chim ghi nhận nhiều cá thể quý hiếm trong danh lục đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam. Quắm đen có kích thước nhỏ khoảng 64 cm, có màu đen nếu nhìn từ xa. Loài này có môi trường sống chính ở các rừng tràm, các vùng đồng cỏ và cây ngập nước, đầm lầy và hồ, vùng cây gỗ ở đồng bằng.
Hiện nay, loài Quắm đen được đánh giá có quần thể suy giảm. Tại Việt Nam, hiện chỉ còn ghi nhận tại một số khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long như Vườn Quốc Gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Đất Mũi (Cà Mau), các sân chim Bạc Liêu, khu Bảo tồn thiên nhiên Láng sen (Long An).
"Việc lần đầu tiên ghi nhận loài Quắm đen cho thấy khu vực cửa sông Ô Lâu, Đầm Phá Tam Giang - Cầu Hai có tầm quan trọng trong bảo tồn các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư", TS Hồ Thắng nói.
Trước đó, nhóm nghiên cứu của TS Hồ Thắng cũng phát hiện loài Cò thìa mặt đen khi khảo sát các sinh cảnh xung quanh khu vực đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Cò thìa mặt đen, tên khoa học Platalea minor là loài chim thuộc họ Cò quăm (Threskiornithidae). 5 cá thể cò thìa mặt đen tại đầm Trà Ổ là ghi nhận đầu tiên về loài chim nguy cấp quý hiếm này trú đông tại khu vực miền trung Việt Nam.
.Hai cá thể Cò thìa mặt đen (giữa) tại khu vực đầm Trà Ổ. Ảnh: Lê Mạnh Hùng
Cò thìa mặt đen là loài chim đặc hữu cho khu vực Đông Á, hiện được xếp hạng Nguy cấp trong Danh lục đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam. Cò thìa mặt đen sinh sản tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và di cư trú đông tại Việt Nam. Tổng quần thể trên toàn thế giới khoảng 4.000-5.000 cá thể. Tại Việt Nam chúng thường trú đông tại khu vực Đông Bắc (Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình), hàng năm số lượng chỉ dao động từ 50-80 cá thể.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, việc ghi nhận các loài chim quý hiếm tại các khu vực này có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn loài chim hoang dã, đặc biệt các loài di cư, trú đông. Theo ông, cần sớm có các giải pháp bảo vệ, bảo tồn.
Như Quỳnh