Đánh Giá Dell XPS 13 2020 : Có Mọi Thứ Cần Thiết Ở Một Chiếc LapTop Windows

Dell tiếp tục cải tiến mẫu laptop cao cấp của hãng dựa trên công thức thành công đã có từ trước đó.

Mỗi khi một chiếc máy thuộc dòng XPS 13 ra mắt, câu hỏi đặt ra vẫn luôn là: Liệu nó có còn giữ được danh hiệu "chiếc laptop Windows mỏng, nhẹ tốt nhất hay không"? Và theo bài đánh giá của phóng viên chuyên trang công nghệ The Verge được VnReview chuyển ngữ tới bạn đọc dưới đây, câu trả lời vẫn là có.

 

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Dell không phải là hãng nổi bật và thành công với việc tạo ra những đột phá về công nghệ có thể thay đổi những kỳ vọng của người dùng về những gì một chiếc laptop cần phải có (ít nhất là với dòng XPS). Tuy nhiên, hãng lại rất thành công trong việc xác định những điểm yếu cần sửa đổi và khắc phục những vấn đề đó mà không "làm hỏng" sang những thành phần khác. Hai năm trước, chiếc máy này sở hữu webcam thuộc hàng "tệ hại". Đến năm ngoái, vấn đề lại nằm ở phần bàn rê chuột (touchpad) quá nhỏ và màn hình tỷ lệ 16:9. Những chi tiết này không khó để khắc phục, và thực tế là Dell đã giải quyết được hết rồi. Kết quả, XPS 13 đã trở thành một chiếc laptop không hoàn toàn hoàn hảo - nhưng nó có thể hoạt động và thực hiện đa số các tác vụ một cách "gần hoàn hảo". Cấu hình thấp nhất của chiếc máy này (được đăng tải trên trang web chính thức của Dell là 1.199 USD - khoảng 28,1 triệu đồng). Phiên bản được thử nghiệm trong bài viết này có giá 1.749 USD (khoảng 41 triệu đồng).

Thay đổi dễ nhận thấy nhất của phiên bản XPS 13 năm nay là phần màn hình. Cuối cùng thì màn hình tỉ lệ 16:9 cũng đã biến mất. Dell cũng đã làm nhỏ phần viền ở cạnh dưới màn hình rất nhiều, giảm từ 19,5mm xuống còn 4,6mm (Phần bản lề cũng được giấu kín một cách khéo léo hơn ở đế máy, gần bàn phím).

Dell cũng đã giảm kích thước phần mép vát ở cạnh trên và hai cạnh bên của màn hình. Kết quả là 1 chiếc màn hình tỷ lệ 16:10 có diện tích lớn hơn 6,8% so với phiên bản tiền nhiệm. Công ty cho biết diện tích hiển thị chiếm 91,5% tổng diện tích phần mặt trên (bao gồm cả màn hình và các viền bao xung quanh) của máy. Màn hình này cũng có độ phân giải cao hơn - chính xác là tăng thêm 1 triệu pixel so với màn hình 1080p của phiên bản năm trước. Về trải nghiệm, có thể nói mặc dù chỉ mở rộng thêm vài milimet so với bản trước, nhưng màn hình của XPS 13 (2020) cho trải nghiệm khác hẳn. Dường như chúng ta cảm thấy mình có thêm rất nhiều diện tích để thực hiện nhiều công việc hơn, bày biện nhiều thứ hơn trên màn hình của máy. Chẳng hạn, khi gõ văn bản ở chế độ hiển thị hai cửa sổ song song, người thử nghiệm không cần phải thu nhỏ văn bản để có thể hiển thị hết trang giấy trên cửa sổ nữa - nhờ vào phần diện tích màn hình được mở rộng thêm.

Nhìn chung, thiết kế gần như không viền màn hình của XPS 13 (2020) mang đến một cảm giác "nghệ thuật" cao cấp hơn hẳn. Với việc loại bỏ logo của hãng và miếng nhựa trắng quen thuộc để bảo vệ màn hình trước đây, công với việc tăng diện tích phần bàn phím và chuột từ (touchpad) (sẽ nói chi tiết hơn ở phần sau), dường như Dell đã không bỏ phí một chút diện tích nào trên chiếc máy này. Về cân nặng, Dell XPS (2020) có khối lượng khoảng 1,27kg (tương đương với MacBook Air), nhưng mỏng hơn (chỉ khoảng 1,47cm). Cảm quan của người thử nghiệm cho thấy chiếc máy này nhìn rất đẹp và cảm giác cầm trên tay cũng rất thích.

Màn hình của chiếc máy này rất sáng (độ sáng tối đa lên đến 500 nit), do đó nếu dùng trong nhà, người thử nghiệm cảm thấy khá khó chịu nếu thiết lập độ sáng ở mức trên 30%. Khi xem thử một số đoạn trailer phim trên màn hình này, người thử nghiệm nhận thấy chất lượng hình ảnh mà màn hình này đem lại ở mức rất tốt, màu sắc rực rỡ và có chiều sâu, ít bị bóng và chói khi hiển thị những khung cảnh tối. Để nói về nhược điểm, dường như màn hình của XPS 13 (2020) hơi ám xanh. Nếu tắt cảm biến Ambient Light (nhận diện ánh sáng môi trường xung quanh để thay đổi nhiệt độ màu của màn hình) có thể phần nào cải thiện tình trạng này, nhưng không triệt để. Nhược điểm này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm sử dụng của người dùng thông thường.

 

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Như thường lệ, Dell cung cấp nhiều tuỳ chọn cấu hình cho mẫu laptop XPS 13 trên trang chủ của mình. Người thử nghiệm sử dụng phiên bản có giá 1.749 USD (khoảng 41 triệu đồng), với chip Core i7-1065G7, bộ nhớ RAM 16GB, ổ cứng SSD 512GB, cùng màn hình cảm ứng độ phân giải 1920 x 1200 pixel.

 

Phiên bản tiêu chuẩn có giá 1.199 USD (khoảng 28,1 triệu đồng) sở hữu chip Core i5-1035G1, bộ nhớ RAM 8GB, ổ cứng SSD dung lượng 256GB, màn hình không cảm ứng (nếu muốn có màn hình cảm ứng, bạn sẽ phải nâng cấp lên với giá 1.299 USD - khoảng 30,4 triệu đồng). Cấu hình này là đủ đối với các nhu cầu sử dụng văn phòng đơn giản hàng ngày. Nếu muốn chơi game, có lẽ bạn cần cân nhắc các phiên bản có bộ nhớ RAM và dung lượng ổ cứng cao hơn.

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Phiên bản sở hữu màn hình độ phân giải 4K có mức giá thấp nhất là 1.549 USD (khoảng 36,3 triệu đồng), đi kèm cấu hình bộ nhớ RAM 8GB, ổ cứng 256GB, và chip Core i5. Bạn cũng có thể nâng cấp lên cấu hình tối đa với chip Core i7, bộ nhớ RAM 16GB, ổ cứng SSD 2TB cùng màn hình cảm ứng độ phân giải 3840 x 2400, hệ điều hành Windows 10 Pro có bản quyền cài đặt sẵn với giá 2.309 USD (khoảng 54,13 triệu đồng). Bên cạnh đó, theo tin đồn, còn có 1 phiên bản giá 999 USD (khoảng 23 triệu đồng) sử dụng chip Core i3 và bộ nhớ RAM 4GB, nhưng phiên bản này hiện không được liệt kê trên trang web của Dell).

Người thử nghiệm chưa có cơ hội trải nghiệm phiên bản sử dụng màn hình 4K, nhưng màn hình 1920 x 1080p cho chất lượng hiển thị khá tốt; người dùng không chuyên về các công việc sáng tạo, hình ảnh có lẽ không cần chi thêm tiền để nâng cấp lên phiên bản có độ phân giải màn hình cao hơn. Ngoài ra, phiên bản có độ phân giải màn hình thấp vẫn có tuỳ chọn màn hình cảm ứng (thứ mà các phiên bản tiền nhiệm không có - bạn sẽ buộc phải mua tuỳ chọn màn hình 4K nếu muốn sử dụng màn hình cảm ứng của XPS 13 năm ngoái). Độ phân giải 1080p cũng là quá đủ để chơi game và xem phim trên Netflix; đồng thời một số đánh giá khác cũng chỉ ra rằng phiên bản độ phân giải 4K có độ sáng màn hình thấp hơn và "ngốn" nhiều dung lượng pin hơn mức chấp nhận được.

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Dell XPS 13 sở hữu hai cổng Thunderbolt 3, một jack cắm tai nghe 3,5mm, một khe cắm thẻ nhớ microSD. Ngoài ra, đi kèm theo máy còn có 1 phụ kiện cổng chuyển sang USB-A. Mỗi cạnh bên của máy có một cổng USB-C, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Mặc dù biết rằng USB-A đang dần lỗi thời và sẽ phải nhường chỗ cho những chuẩn kết nối mới hơn, nhưng người thử nghiệm vẫn sẵn lòng "đánh đổi" một cổng USB-C để lấy 1 cổng USB-A truyền thống, vì sự tiện dụng và tính tương thích. Chắc hẳn trong số chúng ta ở thời điểm hiện tại vẫn phải làm việc với ít nhất một (hoặc một vài) thiết bị sử dụng giao tiếp truyền thống này, do đó sẽ tốt hơn nếu XPS 13 hỗ trợ cổng USB-A từ đầu thay vì "bắt" người dùng luôn phải nhớ mang theo cổng chuyển.

Tiếp theo, hãy cùng nói về bộ vi xử lý. Rất nhiều người dùng phần nào bối rối với bộ sưu tập những con chip Intel thế hệ thứ 10, do đó đó chúng tôi sẽ dừng lại và giải thích chi tiết hơn một chút về các tuỳ chọn CPU có trên dòng XPS 13. Phiên bản XPS 13 ra mắt cuối năm 2019 được trang bị CPU Core i7-10710U, con chip thuộc dòng Comet Lake với 6 nhân và 12 luồng. Trong khi đó, XPS 13 của năm nay được trang bị vi xử lý Intel Core i7-1065G7, thuộc dòng Ice Lake — 4 nhân 8 luồng. Thoạt nhìn, chúng ta có cảm giác năm nay XPS 13 dường như đi "thụt lùi" khi chuyển sang sử dụng một con chip yếu hơn; nhưng thực tế mọi việc còn tuỳ thuộc vào những tác vụ mà bạn thường làm với chiếc laptop của mình. Một con chip nhiều nhân hơn sẽ phát huy tác dụng trong các tác vụ đòi hỏi tốc độ tính toán — giải quyết các bài toán số học, biên dịch mã nguồn hay thực hiện các tính toán phức tạp trong Excel. Trong khi đó, chip Ice Lake sẽ cho hiệu năng nổi bật hơn đối với những tác vụ đòi hỏi sức mạnh của bộ xử lý đồ hoạ (GPU) (chẳng hạn như chơi game, xử lý hình ảnh, video, v.v…) nhờ vào Iris Plus, bộ xử lý đồ hoạ tích hợp thế hệ thứ 11 cho hiệu năng vượt trội hơn hẳn.

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Iris Plus mang đến hiệu năng chơi game "đỉnh" nhất trong số tất cả các bộ xử lý đồ hoạ (GPU) tích hợp mà người thử nghiệm từng sử dụng. Chiếc laptop XPS đã "cân tốt" game Liên minh Huyền thoại, cho tốc độ khung hình trung bình đạt khoảng 160-165 fps và không bao giờ bị "rớt" xuống dưới mức 110 fps. Đối với game Rocket League, khi thiết lập ở thông số cao nhất, XPS cho tốc độ khung hình trung bình khoảng 70 fps và không bao giờ bị rớt xuống dưới mức 41 fps. Thậm chí, chiếc máy này còn chơi được cả game Overwatch ở thiết lập Ultra, cho tốc độ khung hình khoảng 40-45 fps và không bị "rớt" xuống dưới 21 fps. (Ở chế độ Epic, máy có thể chơi ở tốc độ khung hình khoảng 35 fps. Còn nếu thiết lập ở chế độ Medium, tốc độ khung hình khoảng 50-55 fps). Hiệu năng như vậy có thể so sánh với chiếc máy Razer Blade Stealth của năm ngoái, sử dụng card đồ hoạ rời MX150. Do đó, người thử nghiệm cho rằng nếu có nhu cầu chơi game nhẹ nhàng, người dùng không nhất thiết phải sử dụng những con chip đồ hoạ cấp thấp như MX. CPU của Intel và bộ xử lý đồ hoạ tích hợp thế hệ mới "thừa sức" đảm nhiệm nhiệm vụ này.

Dĩ nhiên, chiếc XPS không thể chạy được tất cả các tựa game. Chẳng hạn, game Shadow of the Tomb Raider hoàn toàn không chơi được khi chỉ đạt tốc độ khung hình trung bình 17 fps ngay cả với thiết lập thấp nhất. Ở tốc độ khung hình này, bạn không chỉ cảm thấy giật, mà trải nghiệm giống như đang lật một cuốn truyện gấp vậy. Dĩ nhiên, những người dùng thực sự nghiêm túc với việc chơi các tựa game như Tomb Raider sẽ không chọn XPS 13 làm cỗ máy chơi game chính của mình, và người thử nghiệm cũng biết rõ rằng tựa game này là "quá sức" đối với dòng laptop mỏng nhẹ biểu tượng của Dell. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ về giới hạn trong việc xử lý các tác vụ đồ hoạ nặng của con chip Intel mới này mà thôi.

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

XPS 13 có thể thực hiện tốt những công việc đa nhiệm hàng ngày của tôi - làm việc với khoảng 15-20 tab trình duyệt Chrome, ứng dụng Slack và Spotify, trong đó tôi thường xuyên chạy các tác vụ tải file ở dưới nền - mà không hề gặp tình trạng giật, treo máy. Tuy nhiên, khi chạy đa nhiệm nhiều phần mềm, máy nóng lên đáng kể, đặc biệt là ở khu vực bàn phím. Ngoại trừ lúc chơi game, tôi cảm thấy khá thoải mái khi đặt chiếc máy này lên đùi của mình để làm việc; tuy nhiên những ngón tay của tôi có thể cảm nhận được hơi nóng phả ra từ bên dưới bàn phím khi mở khoảng 8 tab duyệt web. Còn khi chơi game, phần bàn phím nóng thấy rõ. Mặc dù vậy, tin tốt là XPS làm khá tốt việc giữ bộ xử lý ở trạng thái nhiệt độ mát mẻ. Người thử nghiệm gần như không gặp phải hiện tượng hiệu năng của bộ xử lý bị "bóp" vì quá nóng. Con chip i7 duy trì ổn định nhiệt độ từ 65 - 75 độ C trong suốt 30 phút sử dụng game Tomb Raider. Người dùng có thể nghe thấy tiếng quạt chạy mạnh nhưng không ồn ào đến mức gây khó chịu.

Nhiệt là vấn đề duy nhất mà tôi có thể phàn nàn về chiếc máy này; những khía cạnh khác có thể được xếp loại ở mức từ "vừa đủ" đến "xuất sắc". Chẳng hạn, thời lượng pin của XPS 13 dù không phải thuộc nhóm "đỉnh" trong phân khúc, nhưng vẫn rất tốt. Khi thực hiện các công việc hàng ngày (như mô tả ở trên) ở độ sáng màn hình 50% (ở mức này màn hình vẫn sáng hơn so với nhu cầu của một người làm việc trong văn phòng), người thử nghiệm nhận thấy XPS có thể hoạt động trong vòng 7 giờ 20 phút ở chế độ năng lượng "tiết kiệm pin" (battery saver) trên Windows, mà không hề làm chậm máy. Thời lượng pin này có thể cho phép bạn làm việc trong cả một ngày dài, và với độ sáng màn hình "sáng hơn mức bình thường", bạn hoàn toàn có thể thiết lập màn hình sáng ở mức 30% hoặc 40% nếu cần thêm thời lượng pin, mà không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm.

Người thử nghiệm cũng có thể xem hết một bộ phim dài 90 phút với cục pin chỉ được sạc đầy 80%. Ngay cả việc chơi game bằng pin cũng không phải là một ý tưởng quá tệ: người thử nghiệm có thể chơi League of Legends ở chế độ ưu tiên hiệu năng (performance mode) trong vòng 3 tiếng đồng hồ, ở thiết lập độ sáng màn hình cao nhất. Game vẫn có thể chơi được trong đa số thời gian, chỉ có khoảng 15% thời lượng hiệu năng xuống quá thấp, dưới ngưỡng chấp nhận được.

Năm ngoái, bàn phím và bàn chuột từ (touchpad) của XPS 13 được người thử nghiệm ưa chuộng hơn cả trong số tất cả các dòng laptop khác có trên thị trường. XPS 13 năm 2020 tiếp tục duy trì được thành tích đó. Dell không chuyển sang sử dụng thiết kế phím bướm trên dòng máy XPS 2 trong 1. Thay vào đó, các phím trên XPS 13 năm 2020 có hành trình phím 1mm, có độ nảy tốt, đem lại sự hài lòng nhưng không phát ra tiếng ồn quá lớn. Những ngón tay của người thử nghiệm cảm giác như đang "bay", và số lượng từ gõ lỗi cũng thấp hơn hẳn so với thông thường. Bàn phím được thiết kế tràn sát ra cạnh của máy, và kích thước phím cũng tăng 9% so với phiên bản cũ. Mặc dù thoạt nhìn khó nhận ra sự khác biệt này, nhưng khi sử dụng, người trải nghiệm có thể cảm nhận được. Bàn chuột từ cũng tăng 17% kích thước so với model của năm ngoái. Mặt touchpad cũng đem lại cảm giác rất mượt và thao tác nhấn chuột cũng rất nhẹ nhàng.

Âm thanh từ loa của XPS 13 (2020) không đem lại chất lượng như những sản phẩm loa ngoài cao cấp, nhưng là một trong những chiếc loa laptop hay nhất. Phần âm trầm (bass) không quá mạnh mẽ; âm thanh của bộ gõ nghe rất mạnh mẽ. Phần loa ở cạnh dưới máy cho âm lượng đủ lớn để có thể nghe rõ từ bất kì vị trí nào trong một căn phòng có diện tích vừa phải. Khi tăng âm lượng lên tối đa, âm thanh phần nào bị méo tiếng; tuy nhiên ở mức âm lượng 90, âm thanh từ loa của XPS 13 vẫn duy trì được sự trong trẻo và rõ ràng.

Nếu phải chỉ ra một điểm yếu thực sự của XPS 13, có lẽ nằm ở webcam. Webcam có độ phân giải 720, kích thước 2,25mm cho hình ảnh mờ nhoè, nhiễu hạt. Trong thử nghiệm, tóc của người viết rất mờ và khó có thể nhìn thấy rõ sợi; còn phần hậu cảnh hoàn toàn bị cháy sáng hoặc quá tối (tuỳ vào điều kiện ánh sáng ban ngày hoặc ban đêm) và không thể nhìn thấy trung cảnh. Tuy nhiên, điều kì diệu là tính năng Windows Hello vẫn hoạt động rất tốt, có thể nhận diện được mặt người sử dụng trong nhiều điều kiện ánh sáng phức tạp khác nhau (!?). Ngoài ra, Dell xứng đáng nhận được lời khen vì đã "o ép" được webcam của máy vào phần diện tích nhỏ như vậy ở viền trên của màn hình (Nếu nhận dạng gương mặt không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn về tốc độ, bạn có thể sử dụng cảm biến vân tay của máy để mở khoá).

Đánh giá Dell XPS 13 (2020): Mọi thứ bạn cần ở một chiếc laptop Windows của năm nay

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy bài đánh giá một sản phẩm đầu bảng này có phần hơi nhàm chán. Tuy nhiên, thực tế đây là một điều tích cực, bởi chiếc máy này không có quá nhiều vấn đề cần phải chỉ ra hay cảnh báo cho những người có ý định mua. Bản thân XPS 13 đã tự nói lên điều đó: đây không phải là một chiếc laptop mang đến những đột phá, tiên phong về công nghệ hay định nghĩa lại những tính năng mà người ta kỳ vọng ở một chiếc laptop; nó đủ dùng, đủ tốt và mang đến cho người dùng những gì họ cần. Nếu có thể, người thử nghiệm kỳ vọng chiếc máy này có khả năng tản nhiệt tốt hơn, bổ sung thêm một cổng USB-A và tinh chỉnh màu sắc của màn hình chính xác hơn. Tuy nhiên, những vấn đề này đều không quá lớn đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm hàng ngày của người dùng. Và trên những khía cạnh quan trọng nhất của một chiếc laptop - chất lượng hoàn thiện, màn hình hiển thị, bàn phím, touchpad, thời lượng pin, hiệu năng - XPS 13 không chỉ làm được mà còn làm rất tốt.

Về giá cả, chiếc laptop của Dell vẫn được định hình ở phân khúc cao cấp, và thậm chí mức giá còn cao hơn một số đối thủ có thiết kế và cấu hình tương đương (tất nhiên, ngoại trừ Apple). Tuy nhiên, có lẽ đa số người dùng đều hài lòng với phiên bản trung bình có giá 1.299 USD đã trình bày ở trên; và chắc sẽ không có người dùng nào cảm thấy chiếc máy họ nhận được không xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Trên thị trường, có nhiều mẫu laptop đạt chất lượng tốt ở hầu hết mọi khía cạnh. Tuy nhiên, gần như tất cả chúng đều có ít nhất một nhược điểm mà XPS 13 đã giải quyết rất tốt. Trên dòng máy Spectre x360 của HP, vấn đề nằm ở màn hình hiển thị tỉ lệ 16:9. Trên Surface Laptop 3, vấn đề là thiếu cổng Thunderbolt tốc độ cao. Trên Surface Pro 7, đó là thiết kế laptop truyền thống. Với MacBook Air, vấn đề nằm ở thời lượng pin. Để có thể trở thành chiếc laptop có chất lượng tốt nhất, XPS 13 không cần phải làm mọi thứ hoàn hảo. Dell chỉ cần làm cho tất cả các khía cạnh của chiếc máy này tốt hơn một chút so với các đối thủ còn lại mà thôi. Và lại thêm một năm nữa, họ đã làm rất tốt.


Theo : 
https://vnreview.vn/

Đánh Giá - Tư Vấn Tiêu Dùng khác

Positive SSL