Đánh Giá Apple Macbook Air 2020: Chiếc LapTop Tốt Nhất Cho Số Đông Người Dùng


Dường như, Apple chỉ cần loại bỏ thiết kế bàn phím lẫy bướm gây tranh cãi và nâng cấp lên chip xử lý mạnh mẽ hơn là đủ để đưa MacBook Air trở lại với vị trí có thể chinh phục đại đa số người dùng mà dòng sản phẩm này vốn có.

Trong suốt một thập niên kể từ khi xuất hiện trên thị trường, dòng máy tính MacBook Air siêu mỏng nhẹ của Apple đã trải qua khá nhiều cung bậc thăng trầm. Thiết kế của MacBook Air thế hệ thứ 2 (ra mắt năm 2010) đã trở thành chuẩn mực của tất cả những mẫu laptop cỡ trung trong suốt nhiều năm sau đó. MacBook Air cũng là dòng máy tính Mac phổ biến nhất của Apple và là một trong những mẫu laptop tốt nhất, được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử. Và cũng chính lịch sử huy hoàng, cùng sức nặng của thương hiệu MacBook Air, đã khiến người dùng cứ chọn mua và chọn mua mãi sản phẩm này, ngay cả khi sau đó, Apple đã để chiếc máy bị tụt lại khá xa so với những dòng laptop đối thủ.

Đánh giá Apple MacBook Air 2020: Chiếc máy tính Mac tốt nhất dành cho số đông người dùng 1

Thật kì lạ: Đã từng có thời điểm, Apple công khai cho rằng phiên bản cơ sở (cấu hình thấp nhất) của mẫu MacBook Pro 13-inch là sự lựa chọn tốt hơn so với MacBook Air, nhưng người dùng thì vẫn cứ tìm mua MacBook Air mà thôi.

Và cuối cùng, sự phổ biến (đến cứng đầu) của dòng máy Air và sự tái cam kết của Apple đối với việc làm mới và phát triển các dòng máy tính Mac đã dẫn tới việc hãng này quyết định thiết kế lại toàn bộ MacBook Air, trang bị cho sản phẩm này màn hình Retina vào năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm đó Apple cũng đã chính thức đưa thiết kế bàn phím lẫy bướm đầy trục trặc và tranh cãi lên dòng sản phẩm này, nổi tiếng với sự không ổn định và giá thành sửa chữa đắt đỏ.

Khi Apple cập nhật dòng máy tính MacBook Air một lần nữa vào năm ngoái, chiếc máy này vẫn tiếp tục được trang bị thiết kế bàn phím lẫy bướm, khiến cho dấu hỏi của sự nghi hoặc vẫn cứ được "treo lơ lửng" trên đầu dòng máy tính này. Và những con chip Intel yếu ớt bên trong thì lại gặp khó ngay cả với những tác vụ đòi hỏi tốc độ xử lý ở mức trung bình.

Và đến nay, dường như Apple đã tiến hành một cuộc "đại tu" toàn diện đối với máy tính Air: dòng MacBook Air 2020 được trang bị thiết kế bàn phím lẫy kéo trước đó đã được Apple áp dụng cho MacBook Pro 16-inch, bộ vi xử lý bên trong được nâng cấp lên chip Intel thế hệ thứ 10. Apple cũng đã giảm giá sản phẩm này 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng): Phiên bản tiêu chuẩn của MacBook Air hiện tại có giá 999 USD (khoảng 23,6 triệu đồng).

Quả là một cuộc hành trình đầy gian nan, nhưng mẫu MacBook Air mới nhất đã trở lại vị trí vốn thuộc về nó: nổi bật giữa một "rừng" sản phẩm để trở thành mẫu laptop tốt nhất dành cho đại đa số người dùng.

MacBook Air đã trở về vị trí vốn thuộc về nó

Phiên bản tiêu chuẩn của MacBook Air năm nay có giá khởi điểm 999 USD (khoảng 23,6 triệu đồng), được trang bị bộ xử lý Intel Core i3 lõi kép với xung nhịp 1,1GHz, RAM 8GB và ổ cứng 256GB. Tuy nhiên, có lẽ gần như tất cả chúng ta đều nên rút hầu bao thêm 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) để nâng cấp lên phiên bản sử dụng chip Intel Core i5 lõi tứ. Trong bài đánh giá này, phóng viên The Verge trải nghiệm phiên bản MacBook Air có giá 1.299 USD (khoảng 30,7 triệu đồng) mà họ cho là phù hợp với đa số người dùng hơn cả: với bộ xử lý Core i5 lõi tứ và tăng gấp đôi dung lượng ổ cứng lên 512GB. Sau này bạn không thể nâng cấp dung lượng ổ cứng SSD lên thêm được nữa, nên tốt nhất là hãy mua phiên bản có dung lượng ổ cao nhất trong điều kiện có thể.

Ở cạnh trái của máy là 2 cổng Thunderbolt 3: chip Intel mới được trang bị nhân xử lý đồ hoạ Iris Plus, đồng nghĩa với việc bạn có thể xuất tín hiệu ra màn hình độ phân giải 6K với MacBook Air 2020 (Người viết bài không thể thử nghiệm chi tiết này do không có phần cứng tương ứng. Tuy nhiên khả năng cao là khi phải "cân" màn hình có độ phân giải lớn như vậy, MacBook Air sẽ toả ra rất nhiều nhiệt và tiếng ồn từ quạt tản nhiệt.)

 

Ở cạnh bên phải của máy là jack cắm tai nghe 3.5mm, bởi người dùng thông thường khi sử dụng các tác vụ thông thường với laptop thường cần phải cắm tai nghe. Nhìn chung, bạn nên dùng tai nghe có dây khi tham gia các cuộc hội họp trực tuyến, bởi bạn sẽ không khiến những người còn lại phải chờ đợi trong lúc bạn giải quyết các trục trặc có thể xảy ra khi kết nối Bluetooth.
Đánh giá Apple MacBook Air 2020: Chiếc máy tính Mac tốt nhất dành cho số đông người dùng 2

Tuy nhiên, nếu không thường xuyên sử dụng các ứng dụng gọi điện trực tuyến hay nghe nhạc, xem phim trên máy tính, bạn có lẽ sẽ muốn tìm hiểu về bàn phím mới của chiếc máy này, công cụ chủ yếu phục vụ cho các tác vụ soạn thảo văn bản và một số loại hình công việc văn phòng khác. Phóng viên The Verge cho rằng ngay cả khi không nói đến độ kém ổn định của nó, thì họ cũng chưa bao giờ thích thiết kế bàn phím lẫy bướm: và rằng người viết bài đã luôn cố gắng kéo dài thời gian sử dụng chiếc MacBook Pro 2015 của mình càng lâu càng tốt do quá thích thiết kế bàn phím truyền thống. Và thật vui mừng khi biết rằng bàn phím trên MacBook Air mới đã trở lại với thiết kế này. Trải nghiệm giống hệt bàn phím của MacBook Pro 16-inch mà người viết đã dùng một vài tháng nay và đánh giá rằng nó "rất tốt". Hành trình phím chỉ dài 1mm, bố cục thiết kế hình chữ T của bốn phím mũi tên đã quay trở lại, và khi sử dụng bàn phím tạo ra âm thanh vừa đủ mà không quá to. Tổng thể, trải nghiệm với bàn phím này rất chắc chắn và rất đáng để hài lòng.

Phóng viên The Verge cho rằng không nên dành cho Apple quá nhiều lời ngợi khen đối với mẫu bàn phím mới này, bởi đã mất quá nhiều thời gian (gần 5 năm) kể từ khi người dùng bắt đầu phàn nàn về những trục trặc của thiết kế mới thì Apple mới chịu từ bỏ bàn phím lẫy bướm. Và có lẽ Apple cũng chẳng được lợi gì khi cứ bán ra những mẫu máy tính có thiết kế phím kém ổn định như vậy. Chỉ là vấn đề thời gian để Apple lấy lại danh tiếng và niềm tin của người dùng với mẫu bàn phím này. Tuy nhiên, bỏ qua những vấn đề có tính "lịch sử" ở trên, thì bàn phím là một trong những linh kiện quan trọng nhất của một chiếc laptop, và bàn phím của MacBook Air mới cực kỳ ấn tượng.

Bàn phím mới của MacBook Air thực sự tốt

Bên cạnh đó, người viết bài cũng thích thiết kế bàn phím này (với hàng phím chức năng tiêu chuẩn ở trên cùng) hơn so với bàn phím đi kèm thanh Touch Bar) của MacBook Pro 16-inch. Chắc chắn rằng có nhiều người thích Touch Bar – ngay cả những độc giả đang đọc bài viết này – tuy nhiên cá nhân phóng viên The Verge lại không thích. Và họ đưa ra dẫn chứng thú vị cho nhận định này: Apple vẫn không chịu đưa Touch Bar lên bất kỳ phiên bản nào của mẫu laptop bán chạy nhất của họ là một minh chứng! Điều chỉnh âm lượng và độ sáng màn hình bằng phím vật lý vẫn chắc chắn và ổn định hơn nhiều.

Một chi tiết khác mà máy tính MacBook Air không có so với các dòng laptop đối thủ là màn hình cảm ứng. Ở thời điểm này không có nhiều điều để nói về chi tiết đó: nếu Apple có thể hỗ trợ con trỏ chuột trên một hệ điều hành "thuần" cảm ứng như iPadOS thì chắc chắn họ sẽ tìm ra cách để hỗ trợ cảm ứng trên macOS. Tuy nhiên, công ty dường như không hứng thú với điều đó, nên bạn cũng đừng kỳ vọng chứng kiến một mẫu máy tính Mac như vậy trong tương lai gần. Dù sao, phần bàn chuột từ (trackpad) của MacBook Air vẫn đang làm rất tốt công việc của nó: trackpad có kích thước rất lớn, tương tự như tất cả các dòng MacBook hiện đại khác, và trải nghiệm cuộn chuột/click chuột vẫn rất tốt.

Đó là tất cả những gì bạn cần biết về bàn phím của chiếc laptop này. Từ phương diện phần cứng vật lý, đây là chi tiết duy nhất mà Apple cần phải đại tu so với MacBook Air phiên bản trước (và họ đã làm vậy). Hình thức và trải nghiệm của bàn phím này giống hệt như những gì bạn kỳ vọng ở một chiếc MacBook Air. Bố cục thiết kế cổ điển, không quá mỏng manh như những mẫu ultrabook khác trên thị trường, và phần vát xung quanh bàn phím nhỏ đến mức bạn hầu như không cảm nhận được mấy khi chạm tay vào.

Đánh giá Apple MacBook Air 2020: Chiếc máy tính Mac tốt nhất dành cho số đông người dùng 3

Cải tiến lớn còn lại của MacBook Air năm 2020 là sự lựa chọn đa dạng hơn về bộ vi xử lý.Người dùng có thể chọn 1 trong 3 ba phiên bản đặc biệt của dòng chip Intel series Y thế hệ thứ 10. Các mẫu MacBook Air trước đây chỉ mang đến cho người dùng một lựa chọn bộ vi xử lý lõi kép duy nhất (với sức mạnh rất hạn chế). Giờ đây, bạn thậm chí còn có thể tuỳ biến cấu hình của MacBook Air lên đến chip Core i7 lõi tứ với xung nhịp 1.2GHz nếu muốn.

Phiên bản MacBook Air được phóng viên The Verge lựa chọn để đánh giá có cấu hình đã được nâng cấp so với bản tiêu chuẩn: bộ xử lý Intel Core i5 lõi tứ xung nhịp 1.1GHz và 8GB dung lượng bộ nhớ RAM. Cấu hình này đáp ứng được đa số các nhu cầu công việc thông thường: người viết sử dụng trình duyệt Chrome, các ứng dụng Slack, Zoom và phần mềm chỉnh sửa hình ảnh cao cấp Lightroom và MacBook Air đáp ứng được rất tốt. Và để minh chứng bằng số liệu, điểm benchmark đơn luồng Geekbench 5 của MacBook Air 2020 này đạt 1001, gần như tương đương với điểm đơn luồng của chip Core i9 có trên MacBook Pro 16-inch là 1109.

Tuy nhiên, thật khó có thể dùng từ "thần tốc" đối với MacBook Air: bạn có thể dễ dàng đẩy chiếc máy này tới giới hạn mà nó có thể xử lý. Chỉ cần mở Lightroom lên là đã đủ để khiến quạt tản nhiệt phải tăng tốc hoạt động, và sau một vài thao tác chỉnh sửa ảnh nhỏ, chiếc quạt này dường như đã đạt tốc độ tối đa của họ. Những tác vụ nặng có thể khiến hệ thống buộc phải giảm hiệu năng khá nhiều để tránh tình trạng quá nhiệt (còn gọi là tình trạng "thắt cổ chai" hiệu suất), khiến cho bộ xử lý không thể đạt tốc độ tối đa để giữ nhiệt độ không lên quá cao.

Apple cho biết việc "thắt cổ chai" hiệu suất này đã được hãng tính toán và thiết kế từ trước. Công ty không cho rằng phần đông người dùng cần đến hiệu suất tối đa của con chip này. Do đó, MacBook Air được thiết kế với tính năng Turbo Boost của Intel, cho phép bộ xử lý có thể tăng tốc lên đến xung nhịp 3.2GHz để thực hiện xong một tác vụ nặng nào đó rồi lại trở lại 1.1GHz để tránh quá nhiệt và duy trì thời lượng pin. Đây là một chiến lược khá phổ biến của các hãng laptop ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện một tác vụ nặng trong thời gian dài với MacBook Air, chiếc máy này sẽ nóng lên, và hệ thống sẽ không cho phép bộ vi xử lý tăng lên tốc độ tối đa của nó là 3.2GHz. Trong bài kiểm tra với Cinebench, xung nhịp của CPU chỉ duy trì ở mức 1.5GHz khi chạy các tác vụ nặng trong thời gian dài. Và quạt tản nhiệt gần như phải làm việc hết công suất.

Đối với các tác vụ sử dụng thông thường, người thử nghiệm không mấy khi chứng kiến tính năng quản lý nhiệt này phải can thiệp và phát huy tác dụng. Nhưng một điều rõ ràng có thể thấy là chiếc máy này không hoàn toàn "thừa" hiệu suất nếu bạn dùng nó để kết xuất đồ hoạ 3D hay xuất video suốt cả ngày. Bạn chắc chắn sẽ phải nghe tiếng quạt tản nhiệt đó, và hiệu suất của máy sẽ chậm lại.

Tóm lại: Hiệu suất của máy ở mức ổn, nhưng bạn sẽ nghe thấy tiếng quạt chạy!

Nhiều người đã đặt câu hỏi về sự khác biệt hiệu suất giữa máy MacBook Air chạy chip Core i5 và MacBook Pro 13-inch cũng dùng chip Core i5. Bên cạnh sự khác biệt so với dòng chip series U, vấn đề còn nằm ở thiết kế tản nhiệt: Apple cho biết MacBook Pro là mẫu laptop phù hợp hơn với những người dùng thường xuyên cần đến hiệu suất xử lý tối đa của phần cứng. Chiếc máy này có thiết kế tản nhiệt tốt hơn và tốc độ xung nhịp tối đa của chip khi sử dụng Turbo Boost cũng nhanh hơn. Nói một cách đơn giản, MacBook Pro có thể chạy với tốc độ nhanh hơn với điều kiện nhiệt độ cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn so với MacBook Air, đồng nghĩa với việc hiệu suất của nó có thể được duy trì khi thực hiện các tác vụ nặng.

Cảm nhận của phóng viên The Verge là: đối với những người dùng thực sự cần hiệu suất cao và biết chính xác họ cần gì, thì nên chờ đợi MacBook Pro phiên bản mới với thiết kế bàn phím mới. Còn với người dùng phổ thông, hiệu suất của MacBook Air là quá đủ đối với các tác vụ thông thường hàng ngày, mặc dù đôi lúc họ sẽ phải nghe thấy… tiếng quạt tản nhiệt chạy.

Đánh giá Apple MacBook Air 2020: Chiếc máy tính Mac tốt nhất dành cho số đông người dùng 4

Cần nói thêm rằng thời lượng pin của MacBook Air chỉ ở mức trung bình: Apple cho biết máy tính MacBook Air mới có thời lượng pin lên đến 11 tiếng nếu bạn chỉ dùng để duyệt web trên trình duyệt Safari. Tuy nhiên theo thử nghiệm của phóng viên The Verge, với một buổi làm việc đơn điệu sử dụng các ứng dụng Chrome, Slack, vàZoom, pin MacBook Air chỉ "sống sót" được 5 tiếng với điều kiện độ sáng màn hình được thiết lập ở mức tối đa. Có lẽ nếu giảm độ sáng màn hình xuống thấp hơn một chút, sẽ kéo dài thời lượng pin được lâu hơn – tuy nhiên cũng cần nói rằng độ sáng màn hình của MacBook Air không phải là số một nếu so với các dòng laptop khác – trung bình độ sáng tối đa của chiếc máy này là khoảng 400 nit – do đó người viết không sẵn lòng để thoả hiệp với lựa chọn này.

Thực ra, đây không hoàn toàn là lỗi của Apple – cả ba ứng dụng này đều rất ngốn pin; tuy nhiên ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thật khó mà không để các ứng dụng như Zoom và Slack hoạt động cả ngày. Và mặc dù trình duyệt Safari sử dụng năng lượng hiệu quả hơn Chrome; nhưng trình duyệt Chrome giờ đây cũng giống như "cơm ăn, áo mặc" đối với rất nhiều người. Thời lượng pin của MacBook Air có thể sẽ rất tốt nếu bạn "kiềm chế" bản thân chỉ sử dụng các ứng dụng của Apple; nhưng chúng ta sống trong một xã hội rất đa dạng cơ mà!

Lại nói đến ứng dụng Zoom, webcam của MacBook Air vẫn là loại có độ phân giải 720p mà Apple đã sử dụng… mãi mãi trên tất cả các sản phẩm máy tính của công ty. Vẫn dùng tốt mà, thực sự đấy! Hy vọng ai đó trong nhóm phát triển Mac có thể trò chuyện với một người trong nhóm phát triển iPhone về vấn đề camera trước khi Apple (lại) tung ra một mẫu laptop mới với cái webcam như hiện tại.

Đánh giá Apple MacBook Air 2020: Chiếc máy tính Mac tốt nhất dành cho số đông người dùng 5

Một số nhược điểm khác của chiếc MacBook Air: các cổng USB-C khá khó cắm; màn hình Retina hiển thị sắc nét nhưng không hỗ trợ dải màu rộng P3 như MacBook Pro. Và thật kỳ lạ khi Apple gọi đây là màn hình độ phân giải 2560 x 1600 trong khi thực tế, độ phân giải hiệu dụng mặc định của nó chỉ là1440 x 900. (Bạn có thể thiết lập lên 1680 x 1050, và tôi khuyên bạn nên làm như vậy.) Phiên bản màu vàng của chiếc máy này dường như hơi ngả sang màu hồng, và thú thật là nó khá ấn tượng. MacBook Air 2020 không hỗ trợ Wi-Fi 6 bởi Apple sử dụng module Wi-Fi khác với loại thường được đi kèm với chip Intel, nhưng không sao, cũng chưa ai dùng Wi-Fi 6 ở thời điểm hiện tại cả. Điểm tốt là chiếc máy này sử dụng sạc 30 watt, do đó bất kỳ thiết bị nào của bên thứ 3 sử dụng cổng USB-C để giao tiếp đều có thể sạc tốt với laptop này. Về phần mềm, dĩ nhiên tất cả MacBook Air 2020 đều được cài đặt hệ điều hành macOS Catalina với gần như tất cả các ứng dụng của Apple đã được cài đặt sẵn, bao gồm Podcasts và Apple TV.

Tuy nhiên, bỏ qua tất cả những hạn chế nhỏ trên, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm mà phóng viên The Verge cảm thấy tự tin khi nói rằng: đại đa số người dùng muốn mua laptop Mac đều có thể chọn mua MacBook Air và nó có thể xử lý đa số các tác vụ một cách mạnh mẽ, ổn định trong một thời gian khá dài nữa. Apple đã làm tốt với mẫu laptop biểu tượng này của họ.

Theo : https://vnreview.vn/

Đánh Giá - Tư Vấn Tiêu Dùng khác

Positive SSL