Đó là chia sẻ của một lãnh đạo Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM. Vị này cho hay: "Không chỉ mình tôi mà khi thông báo sự việc trên đến ban đại diện cha mẹ học sinh của trường thì các phụ huynh cũng 'ồ' lên với sự ngạc nhiên tột độ".
Sở GD-ĐT TP.HCM đang lấy ý kiến các trường về công tác chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong khuôn viên trường. Sau khi nắm đầy đủ thông tin thực tế, Sở GD-ĐT TP sẽ làm việc với Sở Xây dựng và Sở Tài chính để có kiến nghị lên UBND TP, giải quyết vướng mắc cho các trường.
Ông Lê Hoài Nam (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Từ vài chục triệu đến vài trăm triệu
Cô Nguyễn Thị Quế Vân - phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie - thông tin: "Trường chúng tôi có rất nhiều cây xanh. Chỉ tính riêng cổ thụ cũng đã vài chục cây, trong đó nhiều cây từ 100 năm tuổi trở lên.
Đã vậy, Trường Marie Curie lại có kiến trúc vòm, xe cẩu không vào được nên việc khảo sát, tư vấn rồi mé nhánh, tỉa cành, hạ độ cao cho các cây xanh, đốn hạ một cây phượng do bị rỗng ruột một nhánh lớn... mất rất nhiều công sức, thời gian. Đặc biệt là các cây có độ cao trên 40m thì càng vất vả hơn và tốn nhiều nhân công hơn".
Theo cô Vân, ban đầu Công ty Công viên cây xanh báo giá 258 triệu đồng, trường đã gọi điện xin tính giá hữu nghị vì đây là trường học. Do đó, tổng chi phí mới giảm xuống còn hơn 237 triệu đồng.
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 - chia sẻ: "Năm 2017, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã làm một đợt tổng rà soát, chỉnh trang tất cả cây xanh trong trường với nhiều hạng mục khác nhau: đốn hạ cây cũ vì không an toàn rồi thay cây mới, hạ độ cao những cây cổ thụ, mé nhánh, tỉa cành... với số tiền khá lớn. Từ đó đến nay, hằng quý chúng tôi vẫn mời đơn vị có chuyên môn đến cắt tỉa cành, nhánh với kinh phí 20 - 40 triệu đồng/đợt".
Nhà nước nên hỗ trợ
Hiệu trưởng một trường phổ thông ở quận nội thành TP.HCM bức xúc: "Việc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học cần có quy chế rõ ràng chứ không thể khoán hết cho hiệu trưởng như hiện nay.
Tôi là nhà sư phạm thì làm sao biết được cái cây nó có bệnh gì, cần phải chăm sóc ra sao? Vì vậy, việc cắt tỉa cây chưa đúng kỹ thuật cũng là điều dễ hiểu. Tôi cho rằng Sở Xây dựng nên cử cán bộ chuyên môn phối hợp với nhà trường để làm công tác này thì mới bảo đảm".
Trong khi đó, một hiệu trưởng trường phổ thông ở Q.1 cho biết: "Trước đây, trường chúng tôi mời một đơn vị tư nhân đến trường thăm khám định kỳ cho cây và làm các nhiệm vụ cắt tỉa cây trước mùa mưa bão. Công tác này được thực hiện qua sự quen biết và không có biên bản khảo sát cây xanh.
Sau vụ việc cây phượng ngã đổ ở Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) khiến một học sinh tử vong, chúng tôi mời một đơn vị nhà nước có chuyên môn về cây xanh đến để khảo sát, tư vấn; làm biên bản hiện trạng cây... Nhưng điều đáng nói là cùng những hạng mục như tỉa cành, mé nhánh mà mức phí đơn vị nhà nước đưa ra cao hơn khá nhiều so với đơn vị tư nhân".
Theo hiệu trưởng trên, Nhà nước nên hỗ trợ 100% hoặc một phần kinh phí để các trường chăm sóc cây xanh. Vấn đề gây khó khăn cho các trường hiện nay là chi phí chăm sóc, khám chữa bệnh... cho cây xanh trong khuôn viên trường rất lớn. Nhưng chi phí ấy lấy từ đâu ra? Nếu lấy từ quỹ chi thường xuyên thì sẽ phải giảm các hoạt động giáo dục và người thiệt thòi không ai khác là học sinh.
Nhiều trường cắt tỉa cây chưa đúng kỹ thuật
Cuối tháng 5-2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành khảo sát về công tác quản lý, chăm sóc cây xanh tại 21 trường học trên địa bàn TP và kết luận: "Nhiều trường cắt tỉa cây xanh chưa đúng kỹ thuật. Nhiều trường hợp cây bị cắt trụi cành, nhánh - gây mất mỹ quan và sức sống của cây.
Về lâu dài, các cành nhánh sẽ mọc nhiều tại chỗ cắt, dễ gãy, gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là đối với các cây cao như sọ khỉ, me tây... Đa số cây được trồng trong các bồn xây cao (30 - 60cm), thường được sử dụng làm chỗ ngồi cho học sinh. Như vậy, hệ rễ sẽ bị bó trong bồn, rễ khó mọc lan ra bên ngoài; một số cây xanh có vị trí không thuận lợi, không gian sống bị thu hẹp như bị tòa nhà che chắn ánh sáng, gây nghiêng cây, cây kém phát triển, bị bêtông hóa nên rễ cây không đủ không gian để phát triển".