Ngay từ cái nhìn đầu tiên, bạn sẽ thấy chiếc laptop này có thiết kế rất khác lạ so với hầu hết các sản phẩm trên thị trường: bo mạch chủ nằm ở nắp máy, tức giờ đây khu vực này sẽ gồm hai phần là màn hình và linh kiện máy.
Khu vực màn hình dày hơn so với bàn phím vì dồn gần như toàn bộ linh kiện máy vào đây. Cổng cắm Thunderbolt 3.0 cũng được đặt ở phía trên.
Có thể thấy khi mở màn hình ra, phần bản lề đẩy nắp máy ra thêm một khoảng để tăng khả năng tản nhiệt, và khi khép lại tầm 10 độ thì nắp máy sẽ tự động trượt vào:
ASUS cũng biết rằng đây là một trong những điểm khác lạ, vì thế đầu tư trau chuốt rất nhiều ở khu vực này. Có thể nhận thấy rất nhiều đường vát cắt ở đây tạo điểm nhấn mạnh mẽ cho sản phẩm, thay vì cắt vuông góc như kiểu truyền thống.
Ở phần bàn phím, mọi thứ đều rất mỏng, thậm chí là cả hành trình phím cũng như vậy. Thoạt nhìn, hình dáng của bàn phím này khá giống với laptop MacBook và hành trình phím cũng cạn giống như cách thiết kế bàn phím cánh bướm, tuy nhiên khi gõ vào tạo cảm giác chưa đã lắm.
Màn hình StudioBook One có kích thước 15,6 inch với độ phân giải 3.840 x 2.160. Viền màn hình vẫn còn hơi dày, tuy nhiên do 4 góc máy được vát chéo nên cũng "cheat" thị giác được phần nào. Bù lại thì chất lượng hiển thị của màn hình này rất tốt với độ làm tươi 120Hz, được Pantone xác thực với chỉ số Delta E dưới 1, độ chính xác màu 100% Adobe RGB và phủ lớp kính cường lực Gorilla Glass 5.
Nếu để ý, phần màn hình phía trên cũng trượt xuống để mở ra một khoảng không cho hệ thống tản nhiệt được đối lưu tốt hơn:
Cấu hình của StudioBook One rất khủng với vi xử lý Intel Core i9-9980HK, đồ họa Quadro RTX 6000 24GB GDDR6 VRAM đến từ NVIDIA, 32GB RAM và bộ nhớ trong SSD 1TB, dư sức xử lý mọi tác vụ từ sáng tạo nội dung cho đến render.
Với cân nặng gần 3kg, có thể nói đây chưa phải là chiếc máy lý tưởng để cầm đi hàng ngày, tuy nhiên sức mạnh và thiết kế bắt mắt lại là điểm nhấn giúp StudioBook One trở thành sản phẩm đáng để lựa chọn.