Chuẩn quân đội Mỹ là gì?
MIL-STD là từ viết tắt của Military Standard- bộ tiêu chuẩn độ bền trang thiết bị của quân đội Mỹ, trong đó có Laptop. Bộ tiêu chuẩn này không cố định, năm 2000 là bộ tiêu chuẩn 810F, đến năm 2014 là bộ tiêu chuẩn 810G được áp dụng phổ biến tới nay. Song song với đó, bộ tiêu chuẩn 810H với các chuẩn mực khắt khe hơn cũng đã xuất hiện.
Chuẩn MIL-STD 810G hiện tại gồm các tiêu chí: sốc, rung, áp lực, bụi, nhiệt độ cao, nhiệt độ thấp và sương muối. Để đạt chuẩn này, các dòng Laptop sẽ trải qua 28 bài kiểm tra liên tục khác nhau để đảm bảo bất kỳ Laptop nào được chứng nhận cũng giống như có thêm “áo chống đạn” vậy.
Tại sao các hãng Laptop lại đua nhau trang bị chuẩn quân đội Mỹ?
Tất nhiên là để tạo ra sự khác biệt, độc lạ so với số đông còn lại. Nói cách khác là đẳng cấp, giống như chuẩn chống nước, chống bụi thường chỉ có ở các dòng smartphone cao cấp. Hãng Laptop đầu tiên áp dụng chuẩn quân đội Mỹ là ASUS với một loạt các sản phẩm Laptop Gaming và các dòng Ultrabook, tức là đều trên các dòng đắt tiền. Với những người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua Laptop đắt tiền thì chuẩn MIL-STD giống như một gói bảo hiểm đi kèm. Nhưng tiêu chuẩn này cũng giống như một thước đo về giá trị, đẳng cấp cho người sử dụng. Mà những điều đó đôi khi tạo ra xu hướng tiêu dùng, hay còn gọi là hot trend.
Sau thành công của ASUS, nhiều hãng cũng tung ra các Model đạt chuẩn MIL-STD. Trong đó, Dell, HP chủ yếu đưa MIL-STD lên các dòng máy trạm (Workstation), như một tầng bảo vệ, gia cố sức mạnh và sự an toàn cho các dòng máy này. Dù vậy, điều này vô tình khiến giá trị của chuẩn quân đội Mỹ bị giảm đi bởi các dòng Workstation không ưu tiên tính cơ động, ít phải thay đổi môi trường làm việc nên hơi “phí” chuẩn MIL-STD.
Vì thế, Laptop chuẩn MIL-STD chỉ thực sự trở thành một xu hướng khi LG và ASUS tung ra các dòng Laptop siêu nhẹ nhưng lại vô cùng bền bỉ, mạnh mẽ. LG Gram có 3 điểm nhấn chính là: siêu nhẹ, pin siêu trâu và chuẩn MIL-STD. Tất cả các chiến dịch quảng cáo của LG nhiều năm qua chỉ tập trung khai thác vào 3 điểm nhấn này. Nhờ đó, dù là một “tân binh” trên thị trường Laptop Việt nhưng chỉ cần đúng 1 dòng Gram, LG đã tự xác lập được vị thế riêng của mình khi khiến người dùng phải lập tức xuống tiền để mua bằng được chiếc Laptop siêu nhẹ nhưng Mô tô phân khối lớn cán qua vẫn không xi nhê gì.
Với tư cách là người mở đường, ASUS đương nhiên cũng không chịu kém cạnh khi là một trong những hãng sản xuất tỏ ra chịu chơi nhất với chuẩn MIL-STD, cũng là hãng có số Model đạt chuẩn quân đội Mỹ vượt trội so với phần còn lại. Có rất nhiều các dòng Laptop của ASUS đạt chuẩn quân đội Mỹ, như các dòng Zenbook hay mới đây là dòng ExpertBook B9 siêu nhẹ, thời lượng pin 24h. Riêng với dòng ASUS TUF Gaming của ASUS hiện tại đã đạt chuẩn 810H, tức là cao cấp hơn so với dòng tiêu chuẩn 810G phổ biến hiện nay.
Ai nên mua Laptop chuẩn quân đội Mỹ?
Với chuẩn quân đội Mỹ, các dòng Laptop sẽ mạnh mẽ hơn, đa năng hơn so với các đối thủ không được trang bị chuẩn này. Nếu bạn chỉ làm việc ở văn phòng, ít di động thì nên tính tới các tiêu chí khác trước chuẩn MIL-STD. Nhưng nếu bạn thường xuyên thay đổi môi trường làm việc hoặc làm việc ở môi trường khắc nghiệt, nhiều bụi, nóng, ẩm thì nên ưu tiên chọn các dòng đạt chuẩn MIL-STD. Hơn nữa, khoảng cách về giá giữa các dòng Laptop đạt chuẩn MIL-STD với các dòng thông thường đã được rút ngắn đi đáng kể xét trong cùng một phân khúc, cấu hình. Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều người dùng Việt tìm tới Laptop chuẩn quân đội Mỹ còn các hãng thì đang cố gắng đưa tiêu chuẩn này lên nhiều Model hơn.
Bạn cũng cần nhớ chuẩn MIL-STD không đảm bảo chiếc Laptop của bạn không bị hỏng nhưng chắc chắn là bền hơn hẳn với các dòng không đạt chuẩn này trong cùng điều kiện làm việc hay thay đổi hoặc khắc nghiệt. Còn chuyện hỏng cái gì, bao lâu hỏng sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách dùng của bạn, kể cả tần suất bạn đánh rơi Laptop.