- Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Nông, ổ dịch thứ nhất được phát hiện từ ngày 3 đến 6/6, tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Nhà May Mắn (thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô) có 4 em nhỏ độ tuổi từ 9-15 xuất hiện các triệu chứng sốt, đau họng, biếng ăn, nôn ói. Cả 4 em nhỏ này sau đó được lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.
Ngày 8/6, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, cả 4 đều dương tính với vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriare (vi khuẩn gây bệnh Bạch hầu).
Ngay sau khi ổ dịch thứ nhất được phát hiện, ngành Y tế Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: khoanh vùng, điều tra dịch tễ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly; điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan bùng phát ra cộng đồng.
Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn, nơi phát hiện ổ dịch Bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông |
“Theo thống kê, qua điều tra dịch tễ, tại ổ dịch này đã có tổng cộng 400 trường hợp được cách ly và lấy mẫu đi xét nghiệm. Đến nay, tất cả đã cho kết quả âm tính, không có trường hợp lây lan lũy tích và đã hết thời gian cách ly 7 ngày theo quy định. Riêng 4 trường hợp bị nhiễm bệnh, hiện sức khỏe của các em đã trở lại bình thường, cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 3 và đã được xuất viện”, ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông thông tin.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Nông, ổ dịch thứ hai được phát hiện vào ngày 19/6 tại thôn 6, cụm dân cư số 2, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long.
Theo đó, vào ngày 19/6, gia đình phát hiện cháu Sùng Thị H. (SN 2011) xuất hiện các triệu chứng ho nhiều, đau họng, khó thở nên đã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.
Tại bệnh viện, do bị biến chứng nặng nên cháu H. được chuyển vào Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị và đến sáng 20/6, cháu H. tử vong được xác định là do bệnh Bạch hầu ác tính biến chứng tim.
Tại ổ dịch thứ hai này, qua điều tra dịch tễ, ngành Y tế Đắk Nông đã phát hiện thêm 4 trường hợp nhiễm bệnh. Trong đó, có 2 trường hợp bị nhiễm bệnh nặng là cháu Ma Văn T (SN 2011) và Giàng A P. (SN 2007), là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Sùng Thị H., được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) điều trị.
Lực lượng Công an xã, Dân quân xã chốt chặt, kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào của 2 cụm dân cư có người bị nhiễm bệnh |
Ổ dịch thứ ba được phát hiện vào trưa 20/6, tại cụm dân cư số 12, xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’long. Theo đó, em Giàng A P. (SN 2007) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Đắk G’long trong tình trạng sốt cao, viêm họng, amidan sưng, được chuẩn đoán theo dõi bạch hầu tiên lượng mất khả năng điều trị.
Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên ngày 21/6 cho kết quả, em Giàng A P. dương tính với bệnh Bạch hầu. Cũng tại ổ dịch thứ ba này, ngành Y tế Đắk Nông cũng đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông thông tin, cho đến chiều 24/6, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận có 3 ổ dịch bệnh Bạch hầu làm 12 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Khi được phóng viên hỏi về nguồn gốc lây nhiễm, ông Hùng cho hay: “Hiện vẫn chưa thể xác định nguồn lây bệnh từ các ổ dịch này từ đâu ra. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cử cán bộ xuống phối hợp cùng địa phương để điều tra”, ông Hùng nói.
Một góc bên trong cụm dân cư ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, nơi xuất hiện ổ dịch thứ 2 |
Cũng theo ông Hùng, về điều tra xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm, đến thời điểm này, ngành Y tế đã lấy 600 mẫu tại cộng đồng đi xét nghiệm và đã có 528 trường hợp có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Về tiến hành truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần, có liên quan đến trường hợp dương tính, cơ quan chức năng ghi nhận 665 trường hợp tại 2 ổ dịch ở huyện Đăk G’long.
“Hiện các nhân viên y tế đang tiếp tục triển khai biện pháp khử khuẩn và điều tra các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính để cấp thuốc dự phòng, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời các lực lượng chức năng Công an, Dân quân cũng đã thành lập các chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào của 2 cụm dân cư có dịch để kiểm soát chặt chẽ, không cho lây lan dịch bệnh ra bên ngoài. Đồng thời, tiến hành khử khuẩn 100% đối với môi trường trong khu vực dân cư, trường học và trạm y tế nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Người dân trong khu vực này cũng được ngành y tế cho dùng thuốc để điều trị dự phòng, đồng thời lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân”, ông Hùng nói.
Cand.com.vn